Vàng ô là gì? Những thực phẩm quen thuộc chứa vàng ô âm thầm xuất hiện trong bữa cơm hằng ngày mà nhiều người Việt không hay biết
Vàng ô là hóa chất công nghiệp bị cấm trong thực phẩm do nguy cơ gây ung thư cao, nhưng vẫn bị lạm dụng để tạo màu cho nhiều loại thực phẩm phổ biến.
Vàng ô, hay còn gọi là Auramine O, là một loại hóa chất nhuộm công nghiệp thuộc nhóm diarylmetan, thường được sử dụng trong ngành dệt may, giấy, gỗ và sơn tường. Tuy nhiên, một số cơ sở sản xuất thực phẩm đã lạm dụng hóa chất này để tạo màu vàng bắt mắt cho các loại thực phẩm như thịt gà, vịt, măng, dưa cải muối, hạt dưa hay mứt bánh, gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
![]() |
Vàng ô được xếp vào nhóm có nguy cơ gây ung thư cao. Ảnh minh hoạ |
Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vàng ô được xếp vào nhóm có nguy cơ gây ung thư cao, đứng thứ năm trong số 116 chất gây ung thư hàng đầu thế giới. Khi đi vào cơ thể, chất này có thể gây tổn thương gan, thận và hệ hô hấp, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư nguy hiểm.
>> Hé lộ nguyên nhân ‘núi’ bánh kẹo bị thải bỏ ở bãi rác La Phù
Việc tiêu thụ thực phẩm chứa vàng ô có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Về ngắn hạn, người sử dụng có thể gặp các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy, tổn thương niêm mạc ruột, viêm đường hô hấp và co thắt phế quản. Trong dài hạn, hóa chất này ảnh hưởng đến gan, thận, gây viêm nhiễm, hoại tử và đặc biệt làm gia tăng nguy cơ ung thư.
Nguy hiểm hơn, vàng ô không bị phân hủy khi đun nóng hay rửa sạch. Ngay cả khi thực phẩm đã qua chế biến, chất này vẫn tồn tại và gây độc đối với cơ thể con người.
![]() |
Lực lượng cảnh sát môi trường niêm phong hóa chất tại cơ sở chế biến măng. Ảnh: Hồng Phong |
Trong thực trạng thực phẩm nhiễm hóa chất tràn lan như hiện nay, người tiêu dùng cần cẩn trọng khi lựa chọn thực phẩm để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Một số dấu hiệu nhận biết thực phẩm có chứa vàng ô có thể giúp hạn chế nguy cơ tiêu thụ phải những sản phẩm độc hại này.
Đối với gia cầm như gà, vịt, nếu bị nhuộm vàng ô, lớp da thường có màu vàng tươi, óng đều, trong khi phần mỡ bên trong vẫn trắng. Trong khi đó, gà sạch tự nhiên có màu vàng nhạt, riêng phần ức, lưng và cánh có thể đậm hơn. Khi sờ vào, nếu cảm thấy da dính tay hoặc có mùi hóa chất lạ, rất có thể thịt đã bị nhuộm bằng hóa chất.
Măng là một trong những loại thực phẩm dễ bị nhuộm vàng ô nhất. Nếu măng sạch có màu vàng nhạt hoặc hơi thâm đen do được ngâm muối, thì măng bị ngâm vàng ô lại có màu vàng đậm, bề mặt nhẵn bóng. Khi bẻ, măng tự nhiên thường dai hơn, còn măng ngâm hóa chất giòn và dễ gãy vụn.
Dưa cải muối cũng là một loại thực phẩm thường xuyên bị nhiễm vàng ô. Dưa cải muối sạch thường có màu xanh vàng tự nhiên, nước muối có mùi chua nhẹ và có dấu hiệu hỏng sau vài tuần. Trong khi đó, dưa bị nhuộm hóa chất có màu vàng tươi bất thường, nước muối đục và có thể giữ màu rất lâu mà không bị hỏng.
Nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Thông tư số 42/2015/TT-BNNPTNT, chính thức cấm sử dụng vàng ô trong sản xuất và chế biến thực phẩm. Những hành vi vi phạm có thể bị xử phạt lên đến 100 triệu đồng theo quy định tại Điều 6, Nghị định 115/2018/NĐ-CP.
Người tiêu dùng cần đặc biệt thận trọng khi chọn mua thực phẩm, ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và màu sắc tự nhiên. Khi chọn thịt gia cầm, cần quan sát kỹ màu sắc của da và mỡ để phát hiện những dấu hiệu bất thường. Đối với măng, nên ngâm nước, luộc kỹ rồi bỏ nước trước khi chế biến nhằm giảm nguy cơ nhiễm độc. Ngoài ra, cần hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn không rõ nguồn gốc, đặc biệt là những món ăn có màu sắc quá bắt mắt.
Tổng thống Ukraine tiết lộ vấn đề chính trong cuộc gặp với ông Trump
Biểu tình rầm rộ khắp Hàn Quốc về số phận Tổng thống Yoon Suk-yeol