Vay nợ bằng USD, doanh nghiệp "thấm đòn" khi tỷ giá leo thang...

22-03-2023 14:49|Linh Nhi

Biến động bất lợi của tỷ giá sẽ khiến cho các doanh nghiệp phải đánh giá lại khoản vay và ghi nhận lỗ kế toán trên báo cáo kết quả kinh doanh, cũng như gia tăng chi phí lãi vay.

Doanh nghiệp vay bằng đồng USD ảnh hưởng như thế nào?

Năm 2022, đồng USD tăng giá rất mạnh trên thị trường tài chính toàn cầu, do động thái tăng lãi suất nhanh và mạnh của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhằm kìm chế lạm phát. Kéo theo đó là tỷ giá USD/VND cũng chịu áp lực tăng cao.

Khép lại năm 2022, chỉ số USD-Index treo cao ở mức 103,5 điểm, tăng hơn 8% so với đầu năm và cũng là mức cao nhất trong gần 20 năm qua.

Vay nợ bằng USD, doanh nghiệp

Biến động bất lợi của tỷ giá hối đoái và lãi suất đồng USD tăng cao làm gia tăng chi phí đối với những doanh nghiệp có cơ cấu nợ lớn bằng đồng USD theo đánh giá của giới chuyên môn.

Tuy vậy, VnDirect cho rằng, mức độ ảnh hưởng có sự khác biệt giữa hình thức trả lãi, lãi suất cố định hay lãi suất thả nổi và kỳ hạn khoản vay ngắn hạn hay dài hạn.

Đối với hình thức trả lãi, những doanh nghiệp có khoản vay bằng đồng USD với lãi vay cố định và/hoặc thả nổi đều phải chịu áp lực tăng chi phí lãi vay, và lỗ tỷ giá (đánh giá lại khoản vay) do ảnh hưởng bất lợi của biến động tỷ giá và lãi vay đồng USD.

Những doanh nghiệp có khoản vay USD với lãi suất cố định sẽ chịu áp lực gia tăng chi phí lãi vay và lỗ tỷ giá khi đánh lại giá trị khoản vay do tác động của tỷ giá.

Đồng USD mạnh lên sẽ kéo theo việc giá trị của chi phi lãi vay lẫn giá trị nợ gốc đều sẽ tăng lên khi quy ra VND.

Thêm vào đó, những doanh nghiệp sử dụng khoản vay USD với lãi suất thả nổi sẽ chịu áp lực lớn hơn những khoản vay có lãi suất cố định.

Nguyên do là vì ngoài chịu tác động về tỷ giá lên chi phí lãi và nợ gốc, khoản vay thả nổi sẽ còn chịu thêm áp lực tăng chi phí lãi vay khi lãi suất khoản vay bằng đồng USD tăng lên do FED thắt chặt chính sách tiền tệ.

Vay nợ bằng USD, doanh nghiệp

Đối với thời hạn trả lãi, những doanh nghiệp có tỷ trọng nợ vay ngắn hạn lớn sẽ bị tác động tiêu cực hơn những doanh nghiệp có tỷ trọng nợ vay dài hạn lớn.

FED với quan điểm “diều hâu” hơn về thắt chặt chính sách tiền tệ, sẽ gây ra áp lực lớn lên tỷ giá hối đoái, khiến cho giá trị các khoản vay ngắn hạn gia tăng về nợ gốc, gây ra những rủi ro về dòng tiền đối với doanh nghiệp khi phải xoay sở để trả nợ gốc và chi phí lãi vay.

Hơn nữa, khi khoản nợ vay ngắn hạn này đáo hạn, khả năng cao doanh nghiệp sẽ phải vay mới với lãi suất cao hơn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh (gia tăng chi phí lãi vay).

Ngược lại, những doanh nghiệp có tỷ trọng cao khoản vay USD dài hạn sẽ chưa phải đối diện với việc đáo hạn nợ gốc.

Tuy nhiên, biến động bất lợi của tỷ giá cũng sẽ khiến cho các doanh nghiệp này phải đánh giá lại khoản vay và ghi nhận lỗ kế toán trên báo cáo kết quả kinh doanh, cũng như gia tăng chi phí lãi vay.

Trong dài hạn, những doanh nghiệp có tỷ trọng nợ vay dài hạn bằng đồng USD lớn có thể đỡ áp lực hơn do dự báo áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệt và VND tăng giá so với USD trong năm 2023.

Vay nợ bằng USD, doanh nghiệp

Doanh nghiệp "ngấm đòn"...

Trước sức nóng của đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế, nhóm doanh nghiệp có nợ vay bằng USD lớn hứng đòn nặng nề. Trong đó, nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất chủ yếu là ngành điện và xây dựng.

Theo thống kê, PGV - Tổng Công ty Phát điện 3 (EVN GENCO3) là doanh nghiệp lỗ từ chênh lệch tỷ giá trong năm 2022 lớn nhất, ở mức 893 tỷ đồng. Vì vậy, dù PGV có lợi nhuận gộp tăng 27%, lợi nhuận ròng của Công ty vẫn giảm 26% so với năm trước, chủ yếu do chi phí tài chính tăng mạnh vì khoản lỗ chênh lệch tỷ giá cộng thêm lãi vay.

Hai doanh nghiệp ngành điện lỗ chênh lệch tỷ giá nữa là Nhiệt điện Hải Phòng (HND) và Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (POW). Trong đó, HND lỗ chênh lệch tỷ giá 61 tỷ đồng khi có 100% dư nợ bằng đồng USD còn POW lỗ chênh lệch tỷ giá 48 tỷ đồng với khoản vay bằng đồng USD chiếm hơn 50% tổng dư nợ dài hạn.

Doanh nghiệp ngành xây dựng như Tập đoàn PC1 (PC1) và Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (CC1) cũng ghi nhận lỗ tỷ giá lần lượt là 131 tỷ đồng và 101 tỷ đồng.

Vay nợ bằng USD, doanh nghiệp
Đơn vị: tỷ đồng

Trong khi nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực từ tỷ giá USD/VND tăng, vẫn có một số ít doanh nghiệp lãi tỷ giá nhờ hoạt động kinh doanh đặc thù.

Theo đó, Tập đoàn VINGROUP (VIC) đứng đầu lãi chênh lệch tỷ giá năm 2022 với 1,832 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ tỷ giá 509 tỷ đồng.

Xếp sau là Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global, VGI), thu về khoản lãi ròng chênh lệch tỷ giá lên đến gần 1,745 tỷ đồng, tăng 86% so với năm trước. Hoạt động kinh doanh chính của Viettel Global là đầu tư vào các dự án viễn thông tại thị trường nước ngoài, trong đó Đông Nam Á là thị trường chủ đạo.

Đồng Nai ra ‘tối hậu thư’ bảo vệ hoạt động thi công tại đại dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 trị giá 1,4 tỷ USD của POW

Lịch sự kiện và tin vắn chứng khoán ngày 17/4

POW: Bộ Công Thương chỉ đạo phải xử lý dứt điểm vướng mắc tại Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 trong tháng 4

Bài thuộc chủ đề Ngân hàng
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vay-no-bang-usd-doanh-nghiep-tham-don-khi-ty-gia-leo-thang-174758.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Vay nợ bằng USD, doanh nghiệp "thấm đòn" khi tỷ giá leo thang...
POWERED BY ONECMS & INTECH