Rất nhiều người chọn vay vàng khi mua nhà vì nghĩ giá kim loại quý này không biến động mạnh. Nhưng chẳng ai có thể ngờ, vàng bước vào chu kỳ tăng giá dữ dội khiến khoản nợ vay của họ ngày càng phình to.
Đứng ngồi không yên vì vay nợ vàng
Cuối giờ chiều ngày 29/11, giá vàng 9999 của SJC giảm tới 800 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với mức đỉnh sáng cùng ngày, niêm yết tại Hà Nội ở mức 72,4-73,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Song, vợ chồng chị Bùi Thị Thùy Dung (ở Thanh Trì, Hà Nội) vẫn đứng ngồi không yên khi giá vàng đã tăng phi mã trong những ngày vừa qua.
Năm 2019, vợ chồng chị vét sạch tiền tiết kiệm để mua được một mảnh đất rộng 45m2, còn tiền xây nhà thì phải đi vay nợ hoàn toàn. Khi đó, chị ngại thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng nên quyết định mượn vàng. Người cho vay vài chỉ, có người thì vài lượng. Tổng số 15 lượng vàng, bán với giá 38 triệu đồng/lượng thu về 570 triệu đồng.
Vợ chồng chị tính toán mua vàng trả dần theo từng năm. Từ năm 2020 đến nay, công việc kinh doanh gặp khó khăn, thu nhập sụt giảm nghiêm trọng. Tiền dư ra mỗi năm để trả nợ vay vàng không nhiều.
“Trong 3 năm qua, chúng tôi chỉ trả được 5 lượng vàng. Hiện, còn nợ 10 lượng vàng nữa”, chị nói. Những ngày này nghe tin giá vàng tăng, vợ chồng chị mất ăn mất ngủ vì khoản nợ ngày càng phình to.
Giá vàng hiện tăng gần gấp đôi so với thời điểm chị vay. Nếu mua 10 lượng, vợ chồng chị phải chi ra hơn 740 triệu đồng (chênh lệch so với thời điểm vay lên tới 360 triệu đồng).
“Tiền bây giờ cũng không có đủ để mua 10 lượng vàng. Không trả ngay, chỉ sợ giá vàng tăng tiếp thì khoản nợ lại càng lớn hơn”, chị than thở. Vợ chồng chị đang đắn đo có nên cầm cố sổ đỏ vay tiền mua vàng trả nợ lúc này hay không.
Chị Hoàng Thị Hải Yến (ở Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng lo lắng vì còn nợ 5 lượng vàng vay từ năm 2020. Chị Hải cho hay, mua được căn nhà hơn 2 tỷ đồng nhưng thiếu tiền làm nội thất. Chị ngại làm thủ tục vay nợ và trả lãi ngân hàng nên chọn mượn vàng của của anh em trong gia đình.
Đầu năm 2022, chị tích cóp được đủ tiền, định mua vàng trả nợ thì giá bắt đầu tăng mạnh. Kế hoạch trả nợ tạm hoãn vì chị muốn đợi giá vàng hạ nhiệt rồi mua. Song, giá vàng không giảm mà càng ngày càng tăng, khoản nợ cũng lớn dần khiến chị phát hoảng.
“Lúc vay vàng bán giá chỉ 43 triệu đồng. Giờ giá lên tới trên 74 triệu đồng”, chị buồn rầu nói. Theo đó, số tiền có trong tay chị không đủ mua 5 lượng vàng. Bây giờ, nếu không mua vàng trả nợ, giá lại tăng tiếp giống dự báo thì khoản nợ chị phải gánh càng nặng hơn.
Rất nhiều người mua nhà chọn vay vàng vì nghĩ giá kim loại quý này ít khi biến động mạnh. Nay giá vàng cao ngất ngưởng, họ như “ngồi trên đống lửa”, phân vân không biết nên mua vàng trả nợ ở thời điểm này hay không.
Sẵn tiền vẫn nên mua vàng
Trao đổi với PV.VietNamNet vào chiều 29/11, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng, thị trường vàng biến động khôn lường, chịu tác động bởi nhiều vấn đề, sự kiện. Hiện, giá vàng Việt Nam tăng theo xu hướng giá vàng thế giới.
Phân tích về việc giá vàng thế giới bị “đẩy” lên cao, ông Hiếu cho hay, do chỉ số US Dollar Index đang xuống. Giá trị đồng USD bị sụt giảm dẫn tới giá vàng thế giới có xu hướng tăng lên.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không tăng lãi suất cũng làm giảm sự hấp dẫn của đồng USD. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy giá vàng lên. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế của các nước châu Âu không khả quan, xung đột về quân sự, chính trị vẫn còn tiếp diễn trên thế giới. Điều này tạo hấp dẫn của vàng.
Ở Việt Nam, thị trường chứng khoán diễn biến “lình xình”, bất động sản gần như đóng băng, lãi suất ngân hàng giảm về mức thấp. Thị trường vàng lúc này khởi sắc kích động người mua vàng, ông Hiếu nhận định. Thế nên, ông dự báo, thời gian tới giá vàng có thể tăng lên 76 triệu đồng/lượng.
Vậy, có nên mua vàng vào lúc này hay không? Theo ông Hiếu, với những tín hiệu tích cực trên thì nên mua vàng.
Song, không ai biết được vàng biến thiên như thế nào trong thời gian sắp tới. Chỉ vài ngày gần đây, giá vàng biến động mạnh. Giá kim loại quý này đã vượt qua mốc 74 triệu đồng/lượng đúng như dự báo. Do đó, cần cẩn trọng hơn trước quyết định mua vàng.
“Vẫn nên mua vàng nhưng trong điều kiện phải có sẵn tiền và chỉ mua 1/3 số tiền mình có. Không bỏ trứng vào một giỏi và phải theo dõi thị trường vào hàng ngày, hàng giờ để tránh rủi ro”, ông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng khuyến cáo không lướt sóng vàng, mua đi bán lại “ăn xổi” sẽ rất nguy hiểm. Nếu mua phải xác định giữ vàng ít nhất 6 tháng cho tới 1 năm. Tuyệt đối không vay tiền để mua vàng đầu tư vì sẽ gặp rủi ro lớn khi giá vàng đảo chiều giảm.
Với những người nợ vàng, dù giá đang rất cao nhưng có sẵn tiền thì nên mua vàng để trả nợ ngay. Bởi thị trường biến thiên, có thể trong tương lai giá xuống sẽ có cơ hội mua giá thấp, song cũng có thể giá vàng sẽ tăng mạnh và phải mua vàng với giá đắt đỏ hơn.
"Thời điểm này, giá vàng bước vào chu kỳ mới, có sẵn tiền thì vẫn nên mua vàng trả nợ", ông nhắc lại.
Ghi nhận của VietNamNet ngày 29/11, tại các cửa hàng vàng hoạt động mua bán diễn ra sôi động. Một số doanh nghiệp cho biết, khách tới giao dịch vàng tăng khoảng 40-50% so với thời điểm trước khi vàng sốt giá. Theo đó, khách tới mua vàng chiếm 60-70% trong tổng lượng khách giao dịch tại các cửa hàng.
Vàng có thể tăng lên 90 triệu đồng/lượng Nhiều dự báo trên Kitco và từ công ty chứng khoán lớn trên thế giới, vàng đang bước thời kỳ tăng trong năm 2023 và sẽ tiếp tục đi lên trong năm 2024. Một số ý kiến cho rằng, giá vàng có thể vượt quá 2.100 USD/ounce ngay vào cuối năm 2023 và thậm chí có thể đạt mức 3.000 USD/ounce (giá quy đổi khoảng 90 triệu đồng/lượng) trong năm 2024. Trên CNBC, các chuyên gia của Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng, triển vọng của vàng trong năm tới rất tươi sáng. Vàng sẽ “trở lại tỏa sáng” trong năm 2024. |