Vĩ mô

VCBS: Đỉnh lạm phát của Việt Nam đã xuất hiện vào quý II/2024

Thanh Liêm 18/09/2024 14:07

Theo báo cáo mới nhất của Công ty chứng khoán Vietcombank Securities (VCBS), nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm 2024.

Dự báo tăng trưởng GDP khả quan với nhiều động lực tích cực

VCBS dự báo nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức 6,37% - 6,64%. Dự báo này dựa trên giả định các chính sách hỗ trợ kinh tế tiếp tục phát huy hiệu quả, với các động lực tăng trưởng được duy trì như trong quý II/2024.

VCBS: Đỉnh lạm phát của Việt Nam đã xuất hiện vào quý II/2024
Ảnh: Tăng trưởng GDP theo khu vực thực. Nguồn: Vietcombank Securities (VCBS).

Theo VCBS, các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phục hồi này. Hoạt động đầu tư công, với mức giải ngân vốn tích cực, cùng với xuất khẩu tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng. Đặc biệt, khu vực chế biến, chế tạo và dịch vụ có những dấu hiệu hồi phục tích cực, hỗ trợ cho sự ổn định và tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Cụ thể trong tám tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đạt 363,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực, đạt 20,52 tỷ USD, đặc biệt trong các ngành chế biến, chế tạo.

Hoạt động sản xuất đã có bước tiến rõ rệt, với chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) duy trì ở mức 52,4 điểm trong tháng 8/2024, dù giảm so với tháng trước nhưng vẫn thể hiện sự cải thiện mạnh mẽ của các điều kiện kinh doanh.

VCBS: Đỉnh lạm phát của Việt Nam đã xuất hiện vào quý II/2024
Ảnh: Chỉ số PMI sản xuất. Nguồn: Vietcombank Securities (VCBS).

Đồng thời, hoạt động xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2024 ước đạt 265,09 tỷ USD, tăng trưởng 15,8% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại ghi nhận mức thặng dư đáng kể với 19,07 tỷ USD, tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế.

VCBS: Đỉnh lạm phát của Việt Nam đã xuất hiện vào quý II/2024

Ảnh: Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam. Nguồn: Vietcombank Securities (VCBS).

VCBS kỳ vọng rằng, những động lực tăng trưởng này sẽ tiếp tục được duy trì, đặc biệt là khi các doanh nghiệp có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu xuất khẩu.

Tỷ giá hối đoái: Ổn định trong biến động

Một điểm đáng chú ý trong báo cáo của VCBS là dự báo về tỷ giá hối đoái USD/VND. Theo đó, tỷ giá VND so với USD được dự báo sẽ giảm khoảng 2,6% so với cuối năm 2023, và mức biến động sẽ không vượt quá 3% trong năm 2024.

Điều này phản ánh những tín hiệu tích cực từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)có khả năng cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, làm giảm sức mạnh của đồng USD. Đồng thời, dòng vốn ngoại tệ đổ vào Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng, hỗ trợ cho việc duy trì sự ổn định của tỷ giá.

VCBS: Đỉnh lạm phát của Việt Nam đã xuất hiện vào quý II/2024
Ảnh: Tỷ giá hối đoái USD/VNĐ. Nguồn: Vietcombank Securities (VCBS).

Lạm phát trong tầm kiểm soát

Một điểm sáng khác trong báo cáo của VCBS là dự báo lạm phát sẽ tiếp tục được kiểm soát trong mức ổn định dưới 4%, dao động từ 3,6% đến 3,9% trong năm 2024. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2024 tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ.

Chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì sự cân bằng giữa lạm phát và tăng trưởng. Sự ổn định này được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố như giá năng lượng toàn cầu giảm và áp lực lạm phát từ nhóm thực phẩm và xăng dầu trong nước không còn lớn.

VCBS nhận định, đỉnh lạm phát của Việt Nam đã xuất hiện vào quý II/2024, và xu hướng lạm phát sẽ duy trì ở mức thấp trong những tháng cuối năm.

VCBS: Đỉnh lạm phát của Việt Nam đã xuất hiện vào quý II/2024
Ảnh: Tăng trưởng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Nguồn: Vietcombank Securities (VCBS).

Áp lực lãi suất huy động giảm, hỗ trợ tăng trưởng

Ngoài ra, báo cáo của VCBS cũng nhận định mặt bằng lãi suất huy động có thể sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ vào cuối năm 2024. Lãi suất huy động, sau khi đạt ngưỡng đáy vào đầu quý II, đã có dấu hiệu tăng trở lại trong tháng 8/2024 với mức tăng 5-15 điểm cơ bản cho các kỳ hạn dưới 6 tháng. Tuy nhiên, áp lực tăng lên mặt bằng lãi suất dự báo sẽ giảm dần trong thời gian tới. VCBS cho rằng lãi suất có thể đi ngang trong những tháng cuối năm, và thậm chí có khả năng giảm nhẹ nhằm hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có những bất ổn.

VCBS: Đỉnh lạm phát của Việt Nam đã xuất hiện vào quý II/2024
Ảnh: Lãi suất huy động tiền gửi bình quân. Nguồn: Vietcombank Securities (VCBS).

VCBS cũng chỉ ra rằng, với tình hình kinh tế vĩ mô thuận lợi, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, với tăng trưởng tín dụng đạt 6,63% vào cuối tháng 8/2024, cao hơn mức 5% cùng kỳ năm trước.

VCBS: Đỉnh lạm phát của Việt Nam đã xuất hiện vào quý II/2024
Ảnh: Tăng trưởng tín dụng. Nguồn: Vietcombank Securities (VCBS).

Thách thức và cơ hội các tháng cuối năm 2024

Mặc dù bức tranh kinh tế năm 2024 được dự báo đầy hứa hẹn, Việt Nam vẫn đối mặt với một số thách thức tiềm ẩn. Các yếu tố toàn cầu như nguy cơ suy thoái kinh tế tại các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, cùng với những căng thẳng địa chính trị và biến động thị trường tài chính quốc tế có thể ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của Việt Nam.

Tuy nhiên, với sự ổn định trong điều hành chính sách và sự linh hoạt trong ứng phó với các biến động, các chuyên gia từ VCBS tin rằng Việt Nam vẫn có thể vượt qua những thách thức này và đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

>> Siêu bão Yagi tàn phá nghiêm trọng, gây áp lực lạm phát chi phí đẩy tại Việt Nam

Siêu bão Yagi tàn phá nghiêm trọng, gây áp lực lạm phát chi phí đẩy tại Việt Nam

Lạm phát tháng 8 duy trì ổn định, bình quân 8 tháng đầu năm tăng 4,04%

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vcbs-dinh-lam-phat-cua-viet-nam-da-xuat-hien-vao-quy-ii2024-249064.html
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
VCBS: Đỉnh lạm phát của Việt Nam đã xuất hiện vào quý II/2024
POWERED BY ONECMS & INTECH