Theo báo cáo phân tích vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, lãi suất VNĐ liên ngân hàng tuần qua (20-24/6/2022) vẫn ở mức thấp đối với kỳ hạn qua đêm và một tuần, vốn là các kỳ hạn mà hầu hết các giao dịch liên ngân hàng diễn ra.
Số dư của hệ thống ngân hàng trên tài khoản Citad được duy trì ở mức cao trong lịch sử, hơn 400 nghìn tỷ đồng.
Số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng quốc doanh khoảng 110 nghìn tỷ đồng, tiếp tục hỗ trợ thanh khoản tiền đồng. Trong tuần qua, Kho bạc Nhà nước đã mua 75 triệu USD từ các ngân hàng thương mại, tương đương khoảng 1.741 tỷ đồng được bơm vào hệ thống ngân hàng.
Tín dụng cho nền kinh tế duy trì đà tăng, đạt 8,2% so với đầu năm tính đến ngày 10/6 so với 7,6% của ngày 23/5. Các ngân hàng lớn được báo cáo đã gần chạm hạn mức tăng trưởng tín dụng, do đó hạn chế tốc độ tăng trưởng.
Về phía nguồn vốn, tiền gửi cũng mở rộng với tốc độ chậm. Chuyên gia của VDSC cho rằng, có thể một phần do sự dịch chuyển ra khỏi Việt Nam của dòng USD. Tăng trưởng huy động là 3,8% so với đầu năm tính đến ngày 10/6, chỉ cao hơn 0,3% so với ngày 23/5. Tiền gửi bằng ngoại tệ là yếu tố tiêu cực khi giảm 2,3% so với đầu năm, tệ hơn mức giảm -0,1% ở ngày 23/5.
Vị thế thanh khoản tiếp diễn trạng thái dồi dào trước đó đối với VNĐ. Thanh khoản dư thừa cũng dẫn đến lợi suất trái phiếu được kiểm soát tốt trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng và tỷ lệ đấu thầu trái phiếu Chính phủ thành công cao.
Ngày 15/6, hầu hết các trái phiếu Chính phủ đã được phát hành thành công, ngoại trừ trái phiếu kỳ hạn 20 năm. Điều này trái ngược với tình hình vào khoảng cuối quý 1 năm 2022 khi tỷ lệ thành công thấp và nhiều kỳ hạn đấu thầu thất bại.
Lợi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm và 15 năm đều tăng 3 điểm cơ bản so với phiên đấu thầu gần nhất. Do chi phí vay mượn trên thị trường 2 giảm, nhu cầu trái phiếu được hỗ trợ. Trên thị trường thứ cấp, lợi suất trái phiếu đã tăng với tốc độ vừa phải (6-18 điểm cơ bản) do quyết định tăng lãi suất của Fed.
Trong khi ở chiều ngược lại, căng thẳng thanh khoản USD ngày càng gia tăng do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế của Ngân hàng Nhà nước và xu hướng dòng tiền USD.
Sau đợt tăng lãi suất mạnh của Fed vào ngày 16/6, lãi suất USD liên ngân hàng đã tăng mạnh. Lãi suất qua đêm tăng gần gấp đôi từ 0,85 - 0,90% lên 1,5 - 1,6% và tiếp tục giữ ở mức cao.
Do đó, chênh lệch lãi suất USD - VNĐ giảm sâu trong vùng âm trong ngày 16/6: ở mức từ -0,8% đến -0,4% đối với kỳ hạn qua đêm, từ -0,6% đến -0,1% đối với kỳ hạn một tuần.
Trước những áp lực lên tỷ giá hối đoái, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái bán ngoại tệ trong thời gian gần đây. VDSC cho biết, một lượng USD đáng kể được bán ra từ dự trữ ngoại hối, ước tính lên tới hơn 10 tỷ USD.
Song song với việc bán ngoại tệ; Ngân hàng Nhà nước cũng đã khởi động kênh hút tiền qua tín phiếu. Ngày 21/6, NHNN bắt đầu thực hiện giao dịch bán hẳn tín phiếu với khối lượng nhỏ khoảng 200 tỷ đồng. Sang ngày hôm sau, NHNN tiếp tục thu về 19,4 nghìn tỷ đồng qua tín phiếu kỳ hạn bảy ngày. Lượng tín phiếu bán ra tăng vọt lên 30 nghìn tỷ đồng trong ngày thứ ba.
Vào ngày 24/6, cả 7 bên tham gia đều trúng thầu tín phiếu NHNN với khối lượng 20 nghìn tỷ đồng kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 0,7%, nâng tổng số tiền thu về tích lũy lên khoảng 70 nghìn tỷ đồng.
Lãi suất đấu thầu tín phiếu tăng từ 0,3% trong ngày đầu tiên lên 0,7% trong ba ngày tiếp theo. Kỳ hạn ổn định ở mức bảy ngày. Bất chấp nỗ lực theo dõi nguồn cung tiền VNĐ để thu hẹp chênh lệch lãi suất hợp đồng hoán đổi, lãi suất cho vay VNĐ liên ngân hàng chỉ tăng nhẹ lên mức 0,5% vào ngày 24/6 từ mức 0,3-0,4% vài ngày trước đó.
Theo VDSC, có khả năng sự can thiệp này là để thu tiền đồng về và hỗ trợ lãi suất VND liên ngân hàng ở các kỳ hạn ngắn, qua đó thu hẹp chênh lệch lãi suất, kiểm soát đà tăng tỷ giá và giảm áp lực lên dự trữ ngoại hối.
Luật Điện lực sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2025, CTCK chỉ ra 3 doanh nghiệp hưởng lợi lớn
Doanh nghiệp thủy sản nào hưởng lợi lớn nhất nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu 60-100% lên Trung Quốc?