Phong tỏa tài khoản ngân hàng đối với các trường hợp sau
Các trường hợp ngân hàng có thể phong tỏa, đóng tài khoản của khách hàng theo quy định tại Thông tư 17 của NHNN.
Theo khoản 1 Điều 13 Thông tư 17 quy định, ngân hàng có thể chủ động, phong tỏa, đóng tài khoản thanh toán của khách hàng trong một số trường hợp như sau:
Các trường hợp phong tỏa, chấm dứt phong tỏa tài khoản thanh toán, bao gồm:
(i) Trường hợp phát hiện có sai lệch hoặc có dấu hiệu bất thường trong quá trình mở và sử dụng tài khoản thanh toán;
(ii) Trường hợp có cơ sở nghi ngờ tài khoản thanh toán của khách hàng gian lận, vi phạm pháp luật;
(iii) Các trường hợp khác phù hợp quy định pháp luật;
Các trường hợp đóng tài khoản thanh toán và xử lý số dư còn lại khi đóng tài khoản thanh toán, bao gồm:
(i) Trường hợp phát hiện khách hàng sử dụng giấy tờ giả, mạo danh để mở hoặc sử dụng tài khoản thanh toán cho mục đích lừa đảo, gian lận hoặc các hoạt động bất hợp pháp khác;
(ii) Trường hợp tài khoản không duy trì đủ số dư và không phát sinh giao dịch trong khoảng thời gian nhất định theo quy định của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
(iii) Các trường hợp khác phù hợp quy định pháp luật
Việc cung cấp thông tin và hình thức thông báo cho chủ tài khoản thanh toán biết về việc tài khoản thanh toán bị phong tỏa, đóng và phương thức tiếp nhận đề nghị tra soát, khiếu nại; thời hạn xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại, kết quả tra soát, khiếu nại phải được ghi rõ trong Thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán giữa ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng.
Khi bị phong tỏa, đóng tài khoản, khách hàng cần liên hệ đến tổng đài của ngân hàng chủ quản để xác định chính xác lý do khóa tài khoản và đến phòng giao dịch ngân hàng, mang theo giấy tờ có liên quan như CCCD để yêu cầu mở lại tài khoản. Với những trường hợp bị khóa tài khoản do yêu cầu của cơ quan chức năng, chủ sở hữu cần mang thêm quyết định mở lại tài khoản có đóng dấu xác nhận.
Ngoài ra, theo Thông tư 18 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng...), từ ngày 1/1/2025, các ngân hàng sẽ khóa thẻ, tạm dừng giao dịch với những trường hợp khách hàng sau:
(i) Khách hàng không cập nhật giấy tờ tùy thân đã hết hạn: Theo quy định tại Luật Căn cước 2023 (Luật số 26/2023/QH15), các loại CMND cũ (9 số và 12 số) sẽ chỉ còn giá trị sử dụng trong các giao dịch đến hết ngày 31/12/2024. Những người chưa đổi sang CCCD bắt buộc phải làm thủ tục chuyển đổi và cập nhật giấy tờ tùy thân còn hiệu lực với ngân hàng. Nếu không, khách hàng sẽ không thể thực hiện giao dịch rút tiền, chuyển khoản, thanh toán trực tuyến.
(ii) Khách hàng không thực hiện xác thực sinh trắc học. Việc đăng ký sinh trắc học bao gồm các thông tin như vân tay hoặc nhận dạng khuôn mặt. Khách hàng có thể thực hiện thông qua ứng dụng ngân hàng hoặc trực tiếp tại quầy giao dịch. Nếu chưa hoàn thành bước này, tài khoản sẽ bị tạm dừng mọi giao dịch từ ngày 1/1/2025.
(iii) Khách hàng không cập nhật giấy tờ chứng minh cư trú còn hiệu lực: Khách hàng nước ngoài cư trú tại Việt Nam cũng phải cập nhật thông tin giấy tờ khi chúng hết hạn. Việc không tuân thủ sẽ dẫn đến việc bị khóa giao dịch ngân hàng.
Thời gian qua, hàng loạt ngân hàng đã phát đi thông báo, khuyến khích khách hàng chủ động cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú tại Việt Nam còn hiệu lực và thông tin sinh trắc học để tránh gián đoạn giao dịch.
Việc cập nhật thông tin giấy tờ và xác thực sinh trắc học không chỉ giúp ngân hàng quản lý hiệu quả, mà còn đảm bảo rằng mọi tài khoản đều chính chủ, giảm thiểu nguy cơ lừa đảo. Do đó, khách hàng nên nhanh chóng thực hiện để đảm bảo quyền lợi và tài sản của bản thân, đồng thời tránh bị gián đoạn giao dịch.
>> Công an tìm nạn nhân chuyển tiền đến 16 tài khoản ngân hàng MB, Agribank, Techcombank, ACB,…
Hơn 2 tuần, nhóm thanh niên giả danh công an chiếm đoạt gần 160 tỷ đồng bằng 50 tài khoản ngân hàng
LPBank cảnh báo: Thanh toán bằng mã QR, nguy cơ mất sạch tiền trong tài khoản ngân hàng