VEPR dự báo GDP năm 2024 tăng trưởng cao nhất 6,01%, nên kéo dài chính sách VAT
Viện Nghiên cứu Kinh tế Chính sách (VEPR) đưa ra hai kịch bản tăng trưởng GDP trong năm 2024. Trong đó, ở kịch bản cao nhất, tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt 6,01%.
Kinh tế 6 tháng cuối năm sẽ tốt hơn
Tại báo cáo về kinh tế vĩ mô mới được công bố, Viện Nghiên cứu Kinh tế Chính sách (VEPR) nhận định trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới năm 2023 có nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam chỉ đạt 5,05% so với năm trước. Bước sang nửa đầu năm 2024, tăng trưởng GDP phục hồi khá (quý I đạt 5,66%, quý II ước đạt 6% và 6 tháng đầu năm ước đạt 5,8%). Tốc độ vẫn chậm và thấp hơn khoảng 1% so với mức tăng trưởng tiềm năng trước đại dịch COVID-19.
VEPR cho rằng, tăng trưởng mục tiêu 6,5% khó có thể đạt được. |
Cụ thể, nhóm nghiên cứu VEPR cho rằng, tăng trưởng mục tiêu 6,5% khó có thể đạt được trong năm bởi có sự thu hẹp trong khu vực công; cầu tiêu dùng còn yếu cả trong và ngoài nước, tác động tới chi tiêu khu vực tư nhân và tăng trưởng xuất khẩu; tỷ giá rủi ro tăng trong nửa cuối năm được thúc đẩy rủi ro lạm phát và giảm động lực đầu tư khu vực tư nhân.
Theo đó, VEPR đưa ra hai kịch bản tăng trưởng GDP trong năm 2024. Với kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP ở mức 5,85%, lạm phát ở mức 4,5%, tỷ giá VND bình quân năm mất giá ở mức 5 - 6%, giải ngân đầu tư công đạt mục tiêu đề ra, cũng như đầu tư FDI không có biến động bất thường trong nửa cuối năm.
Tuy nhiên, kịch bản này đạt được với một số giả định đạt mục tiêu như: cán cân thanh toán thặng dư tối thiểu 21 tỷ USD; đầu tư khu vực tư nhân và FDI tăng 12% so với năm 2023 và tiêu dùng khu vực tư nhân tăng 4,2% so với năm 2023. Mức tăng trưởng này có thể bù đắp cho tiêu dùng và đầu tư chậm lại từ khu vực công.
Ở kịch bản điều chỉnh chính sách, tăng trưởng GDP ở mức 6,01% với điều kiện có điều chỉnh chính sách giảm chênh lệch lãi suất đồng VND trong nước và các các ngoại tệ mạnh trên thị trường quốc tế, giảm chênh lệch về lãi suất thực về huy động giữa đồng VND và USD, góp phần làm tăng cấu phần xuất khẩu ròng đạt mức 24 tỷ USD. Tăng trưởng đầu tư công và tư tốt hơn nhờ cải thiện môi trường đầu tư, kiểm soát tốt lạm phát ở mức 5%.
Kéo dài chính sách VAT đến hết năm
Để gỡ khó cho nên kinh tế và giúp tăng trưởng đạt được tốc độ tốt nhất, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR cho rằng trong ngắn hạn cần tiếp tục ưu tiên trọng tâm chính sách tài khóa với sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ, tập trung đẩy mạnh hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công các tháng còn lại của năm.
Trong ngắn hạn cần tiếp tục ưu tiên trọng tâm chính sách tài khóa. |
Ngoài ra, cần nghiên cứu gia hạn một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thời kỳ COVID-19 cho giai đoạn 2024 - 2025; thúc đẩy tổng cầu trong nền kinh tế; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Cùng với đó, ông Việt cho rằng nên xem xét tăng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân; xem xét kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% hiện hành đến hết năm. Thậm chí, nếu tăng trưởng GDP năm 2024 không đạt mục tiêu, tổng cầu tiếp tục yếu hơn kỳ vọng, có thể nghiên cứu kéo chính sách giảm VAT đến tháng 6/2025 và tăng mức giảm thuế VAT lên 3 - 4%.
Trong trung và dài hạn, ông Việt cho rằng cần tiếp tục chú trọng các giải pháp kích thích đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân để đảm bảo tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt mức cao và mở rộng cung tiền hợp lý nhằm kích thích tăng trưởng.
“Cần tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, hay có thêm các gói tín dụng cho doanh nghiệp để đầu tư sản xuất bền vững, trung hòa các-bon, thúc đẩy chuyển đổi số, tăng hàm lượng khoa học và công nghệ trong sản xuất kinh doanh, công nghệ xanh, thân thiện môi trường...”, ông Việt nhấn mạnh.