Ông là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc, có uy tín lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Người cán bộ chính trị mẫu mực
Đại tướng Đoàn Khuê sinh ngày 29/10/1923 trong một gia đình yêu nước, giàu truyền thống cách mạng tại làng Gia Đẳng, xã Triệu Tân (nay là xã Triệu Lăng), huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 16 tuổi, đồng chí Đoàn Khuê sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào thanh niên phản đế ở phủ Triệu Phong.
Năm 1940, ông bị địch bắt và kết án tù, giam ở nhà lao Quảng Trị, rồi bị đưa đến Buôn Ma Thuột. Trong nhà lao, ông là thành viên của tổ chức “Ủy ban vận động cách mạng”, được giao nhiệm vụ nghiên cứu, tổ chức các cuộc vượt ngục cho các đồng chí cốt cán của Đảng. Đây là nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm, đòi hỏi lòng dũng cảm, trí thông minh, lòng kiên trì.
Những năm 1942 - 1944, ông đã cùng Ban lãnh đạo “Ủy ban vận động cách mạng” trong nhà tù tổ chức thành công nhiều cuộc đấu tranh phản đối hành động đánh đập dã man, đòi cải thiện sinh hoạt đối với tù nhân, thu nhiều thắng lợi và tổ chức được nhiều đợt vượt ngục thành công.
Trong thời gian hơn 5 năm bị giam cầm, đày ải, tra tấn tàn bạo, Đại tướng Đoàn Khuê luôn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng thể hiện chí khí kiên cường, không chịu khuất phục, một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Ông là nguồn cảm hứng, “truyền lửa” cho những người tù chính trị kiên cường chiến đấu trước đòn roi của kẻ thù.
Tháng 5-1945, sau khi thoát khỏi nhà tù, ông trở về hoạt động gây dựng cơ sở cách mạng ở Quảng Bình; sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và được cử làm Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh. Ông tích cực xây dựng lực lượng, tham gia chỉ đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền cách mạng ở Quảng Bình.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Xứ ủy và chính quyền Trung Bộ thành lập Ủy ban quân chính Khu C, gồm Lực lượng vũ trang Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, do đồng chí Chu Huy Mân làm Chủ tịch còn ông làm Ủy viên quân sự.
Khi thực dân Pháp trở lại gây hấn, xâm lược ở Sài Gòn, ông lúc này là Ủy viên Quân sự của Ủy ban Quân chính Khu C (gồm lực lượng vũ trang Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam) được giao nhiệm vụ chỉ huy một đơn vị hoạt động ở địa bàn Khu 5; sau đó lần lượt được cử giữ các chức vụ: Chính trị viên, Bí thư Hiệu ủy Trường Lục quân trung học Quảng Ngãi; Chính trị viên, Bí thư Trung đoàn ủy các Trung đoàn 69, 73, 78 và 126.
Các trung đoàn, sư đoàn này phần lớn hoạt động trên các địa bàn vô cùng khó khăn và ác liệt. Là một cán bộ tận tụy, sâu sát cơ sở, Đại tướng Đoàn Khuê đã cùng cấp ủy lãnh đạo các đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Vị tướng mưu lược trên chiến trường
Đặc biệt, trong thời gian từ năm 1948 đến 1954, trên cương vị Chính ủy, Bí thư Trung đoàn ủy Trung đoàn 84 và Trung đoàn 108-đơn vị chủ lực cơ động đầu tiên của Liên khu 5 trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đại tướng Đoàn Khuê đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng.
Đầu năm 1954, ông cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch, Ban Chỉ huy Trung đoàn, chỉ đạo các lực lượng giành thắng lợi: tiêu diệt đồn Măng Đen - cứ điểm kiên cố, trận then chốt của chiến dịch giải phóng Kon Tum.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Khu 5 là địa bàn chiến lược quan trọng của chiến trường miền Nam Việt Nam, nơi quân viễn chinh Mỹ đổ bộ đầu tiên. Vấn đề đặt ra là trong điều kiện kẻ địch có lực lượng quân sự hùng mạnh, với trang bị hiện đại, làm thế nào để ta giữ được thế tiến công, quyền chủ động tiến công và tổ chức chiến đấu thắng lợi.
Phó Chính ủy Quân khu Đoàn Khuê tìm ra lời giải đáp và có những cống hiến to lớn trong công tác phát động tư tưởng, xây dựng ý chí chiến đấu cho các lực lượng vũ trang quân khu “quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”; cùng với các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Khu 5, Quân khu 5 bám sát chiến trường; thành lập ba Sư đoàn 3, 2, 1. Có lực lượng chủ lực mạnh, ông góp phần cùng với tập thể Khu ủy lãnh đạo quân và dân Khu 5 chiến đấu với một loạt chiến dịch mới: Chiến dịch tiến công tổng hợp.
Khu 5 trở thành địa phương “đi đầu diệt Mỹ” với những trận đánh, chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử: Núi Thành (26/5/1965), Ba Gia (29/5 đến 20/7/1965), Vạn Tường (18/8 đến 19/8/1965), Plei Me (19/10 đến 26/11/1965), Đồng Dương (17/11 đến 18/12/1965). Đại tướng Đoàn Khuê cũng rất quan tâm đến những chiến thuật mới. Ông thường nói: “Xây dựng ý chí là bảo đảm cho bộ đội quyết đánh, còn phải xây dựng tư tưởng chiến thuật để đánh thắng địch”.
Không chỉ theo sát bộ đội luyện tập chiến thuật trước khi vào chiến đấu, ông còn thường xuyên động viên kịp thời trước và trong quá trình chiến đấu. Tháng 7/1974 trong trận đánh Nông Sơn - Trung Phước, ông chỉ đạo thực hiện chiến thuật “bao vây đánh lấn, tấn công dứt điểm”. Chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước tạo nên thế và lực mới cho ta trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường Khu 5.
Khi Pol Pot tiến công xâm lấn biên giới Tây Nam, Đại tướng Đoàn Khuê cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang phòng ngự vững chắc, tăng cường bảo vệ biên giới, đánh bại các cuộc tiến công xâm lược của địch. Ông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cách mạng Campuchia củng cố chính quyền, vun đắp mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia.
Đóng góp quan trọng trong xây dựng lực lượng vũ trang, nòng cốt là Quân đội nhân dân
Đất nước thống nhất, trên cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5, đảm nhiệm địa bàn chiến lược Nam Trung Bộ, có tuyến đảo, các tỉnh đồng bằng ven biển và Tây Nguyên, Đại tướng Đoàn Khuê cùng Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu có phương án phòng thủ phù hợp với tình hình mới, góp phần đưa vấn đề “giải quyết Fulro” ở Quân khu 5 đi đúng hướng, có hiệu quả cao.
Ông còn rất quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ con em đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 1979, ông cùng tập thể Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu tổ chức Trường Quân chính 2 ở Tây Nguyên (nay là Trường Thiếu sinh quân dân tộc Quân khu 5).
Đây là sáng kiến có tầm chiến lược, thể hiện rõ chính sách dân tộc và chiến lược cán bộ, chiến lược con người của Đại tướng. Đã có hàng nghìn cán bộ phân đội bộ binh và binh chủng được bổ túc, đào tạo ngắn hạn, hàng nghìn thiếu sinh quân được nuôi dưỡng và trưởng thành từ mái trường này, đáp ứng yêu cầu về cán bộ quân sự cho địa bàn chiến lược Tây Nguyên nói riêng và Lực lượng vũ trang Quân khu 5 nói chung.
Trong chặng đường 60 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Đoàn Khuê đã đảm nhiệm nhiều cương vị và có mặt ở nhiều vùng miền, địa phương, chiến trường khác nhau; trong đó có hơn 40 năm gắn bó với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Ông mãi là tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, để lại tấm gương tốt đẹp là một nhà chính trị, quân sự xuất sắc.
Đại tướng Đoàn Khuê từ trần ngày 16/1/1999, hưởng thọ 76 tuổi.
Tham khảo:
- Đại tướng Đoàn Khuê - Nhà lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam - Thông tấn xã Việt (29/10/2023)
- Đại tướng Đoàn Khuê - Nhà quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam - Báo Quân đội nhân dân (29/10/2023)
- Đại tướng Đoàn Khuê - Nhà chính trị, quân sự song toàn - Báo Quân đội nhân dân (26/10/2023)