Những bức thư tay của hai người là tình yêu, nỗi nhớ lứa đôi và khát vọng đoàn tụ của người trẻ trong những cuộc chiến tranh.
Mối tình vượt hai thế kỷ của thiếu tướng Hoàng Đan
Thiếu tướng Hoàng Đan (1928 - 2003) sinh ra ở xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An trong một gia đình có truyền thống lâu đời, nhiều thế hệ đỗ đạt ra làm quan, làm thầy thuốc. Gia đình ông cả bên nội lẫn bên ngoại đều có nhiều người tham gia cách mạng.
Từ những trận đánh đầu tiên ở Cam Lộ tiến về Đông Hà, ngăn chặn địch tại Gio Linh, phục kích đánh tàu địch trên sông Đông Hà, ... cho đến những trận chiến đấu ở Binh đoàn chủ lực, chiến dịch Hòa Bình, Thu Đông năm 1952, chiến dịch Thượng Lào, chiến dịch Điện Biên Phủ, rồi tới kháng chiến chống Mỹ, nhiều chiến trường quan trọng đều ghi dấu ấn đặc biệt của ông.
Thiếu tướng Hoàng Đan là một bậc thầy về nghệ thuật chiến đấu phòng ngự của Quân đội nhân dân Việt Nam, cả cuộc đời ông gắn bó với chiến trường từ những năm kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hết lòng vì sự nghiệp giải phóng đất nước, ngoài những chiến công trận mạc, vị thiếu tướng này còn có một chuyện tình "yêu xa" đáng ngưỡng mộ với bà Nguyễn Thị An Vinh.
Bà An Vinh sinh ra trong một gia đình nghèo ở Nghi Lộc, Nghệ An. Lên 8 tuổi đã phải đi ở đợ, làm con sen cho nhà chồng bà Phượng - chị ruột của của Thiếu tướng Hoàng Đan. Sau Cách mạng Tháng Tám, dù mang thân phận người ở nhưng bà vẫn được gia đình bác Phượng cho đi học với tư tưởng “để các con lấy đó làm gương mà phấn đấu”.
Không phụ sự tin tưởng và kỳ vọng ấy, bà học giỏi và được gia đình bà Phượng yêu thương, quý mến. Vì thế mà khi bà đến tuổi thiếu nữ, bà Phượng “nhắm” em dâu tương lai cho ông Đan, khi ấy 21 tuổi, đã làm đến chức vụ tiểu đoàn trưởng.
Hai người gặp gỡ, làm quen và nhanh chóng có cảm tình với nhau theo sự sắp xếp của gia đình. Đám hỏi diễn ra chóng vánh trong một đêm năm 1953, khi ông Hoàng Đan chuẩn bị đi Chiến dịch Thượng Lào. Hai bên gặp nhau, cũng chẳng có lễ lạt gì ngoài một nồi cháo gà. Hai người không nói, chỉ nhìn nhau ngầm hẹn.
Trong hồi ký của mình, Thiếu tướng Hoàng Đan kể lại chi tiết lễ cưới có sự giúp đỡ không nhỏ của cơ quan vợ ở Lạng Sơn. Nhưng chi tiết nhiều người chưa biết mà Thiếu tướng Hoàng Đan không tiết lộ là sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông đạp xe 1.300km từ Điện Biên về Nghi Lộc, Nghệ An để tìm và hỏi cưới “cô Vinh”. Đến nơi, biết tin bà đã nhận công tác ở Lạng Sơn, ông phải đạp xe ngược trở lại. Bốn năm sau ngày cưới, hai người mới đón con trai đầu lòng.
Vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Đan có với nhau ba người con là Hoàng An, sinh năm 1958; Hoàng Xuân Hồng, sinh năm 1960 và Hoàng Nam Tiến, sinh năm 1969. Ký ức tuổi thơ trong các con của Thiếu tướng Hoàng Đan là những cuộc ra đi rất vội vã của cha: “Chỉ 15 phút sau một cuộc điện thoại, hoặc có đồng chí nào đến đón, ba xếp vội vài bộ quần áo và cứ vậy lên đường”.
Doanh nhân Hoàng Nam Tiến, người con út của ông Đan, có chia sẻ rằng: “Năm 1972, khi ba ra Bắc và chuẩn bị quay vào để tham gia chiến dịch tiến công giải phóng Quảng Trị, cả nhà đã đi tiễn ba. Khi ấy, ba là Thượng tá, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304B, còn tôi mới 3 tuổi. Chúng tôi ngồi trên chiếc xe com-măng-ca đít tròn, ông nội bế tôi, còn ba mẹ ngồi bên nhau nhưng đều không nói gì. Là vợ bộ đội, mẹ tôi hiểu hơn ai hết, mỗi lần ba đi chiến trường là mỗi lần ông có thể không bao giờ trở về nữa. Nhưng tôi nhớ rằng, mẹ chưa bao giờ biểu hiện cảm xúc bi quan hay chán nản. Còn ba, trong những lá thư gửi ra từ chiến trường, ông cũng không bao giờ tỏ ra bi lụy, thậm chí còn lạc quan, lãng mạn”.
Dù trên cương vị là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304B chỉ huy đánh “gần 200 trận, diệt biết bao quân địch”, hay lúc là Phó tư lệnh Quân đoàn 2, thì ông vẫn là người chồng, người cha luôn dành sự quan tâm, chăm chút đến gia đình.
Ngày ấy, lương của ông được 140 đồng. Dường như những chi tiêu cho cá nhân ông đều dè sẻn hết sức có thể, còn lại để dành cho vợ con. Trong một bức thư gửi cho vợ trước ngày vào miền Nam chiến đấu năm 1967, ông dặn dò để có thể chuẩn bị đầy đủ mọi việc cho vợ con ở nhà, trong đó có việc bà phải mua xe đạp và đồng hồ cho mình, may áo cho các con...
Những bức thư tay chứa đầy nỗi niềm
Thiếu tướng Hoàng Đan và vợ biết nhau từ khi còn nhỏ, nên duyên vợ chồng từ thuở đôi mươi. Vì chiến tranh, thời gian bên nhau của hai người rất ít ỏi. Trong khi vị tướng chinh chiến khắp các chiến trường ác liệt thì người vợ ở nhà chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái và phấn đấu vì sự nghiệp.
Bao nhớ thương, giận hờn và chờ đợi, cặp vợ chồng chỉ biết gửi gắm qua hơn 400 lá thư cho nhau. Chuyện tình của họ gắn liền hai cuộc chiến tranh, với những sự kiện lịch sử như chiến dịch Thượng Lào 1953, Tổng Tiến công xuân Mậu Thân 1968, trận Thành cổ Quảng Trị mùa hè 1972. Những lá thư ấy cũng trở thành sợi dây buộc chặt tình yêu của hai con người.
Ông Tiến nhớ lại giây phút cha qua đời, mẹ dặn ông phải đưa vào quan tài các lá thư, nhật ký giữa hai người. Tuy nhiên, ông Tiến giữ lại một hộp tài liệu, trong đó có hơn 400 bức thư và đọc chậm rãi qua nhiều năm. Khi những tờ giấy dần ngả màu thời gian, ông nhờ nhân viên của mình đánh máy lại rồi mang theo nghiền ngẫm trong các chuyến công tác. '
“Từng lá thư như những sợi dây mềm buộc một cuộc tình 50 năm bền chặt, qua ngày tháng, từ từ được mở ra'', ông Tiến cho biết.
Bất kỳ ai cũng dễ dàng nhận ra rằng không sự trìu mến nào có thể nhiều hơn sự trìu mến của ông Hoàng Đan dành cho vợ. Trong thư, ông viết: “Vợ chồng nào cũng thương cũng nhớ, nhưng anh vẫn cảm thấy vợ chồng mình thương nhau, nhớ nhau nhất...”; “Đã từng yêu sôi nổi như khi chưa cưới, yêu sâu sắc từ những ngày mới cưới và yêu thầm lặng như sau lúc có con. Bây giờ thì tình yêu đã thành tự nhiên rồi... Lúc nào cũng nghĩ đến vợ, thương vợ nhiều, thương vợ phải xa chồng nhiều, không có chồng thường xuyên săn sóc...” và hẹn với vợ: “Chúng ta tạm xa nhau để vì hạnh phúc chung của nhân dân. Trong đó có hạnh phúc riêng của chúng ta cùng con cái”.
Qua những lời nhắn gửi đến vợ, thiếu tướng hiện lên là người nhiệt thành và lãng mạn trong tình yêu. Trong thư, ông luôn chủ động thể hiện tình cảm bằng những lời ngọt ngào, cách xưng hô ''Em Vinh'', ''Vinh em'', ''Chồng của Vinh''. Đôi khi, thiếu tướng cho thấy sự khéo léo trong việc góp ý vợ bày tỏ sự yêu thương với mình nhiều hơn. Vốn là người kín đáo nhưng theo thời gian, bà An Vinh dần thay đổi và chăm viết thư cho ông.
Trong quãng thời gian bốn năm Thiếu tướng Hoàng Đan đi Liên Xô học cao cấp quân sự, hai vợ chồng không chờ hồi âm của nhau mà lần lượt viết, trung bình tuần nào cũng gửi một thư, có tuần hai bức. Ngoài bày tỏ tình cảm, nỗi nhớ mong, họ cập nhật cuộc sống, tình hình của các con, chia sẻ quan điểm yêu đương, thậm chí giận nhau và làm hòa qua thư. Tình yêu của vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Đan thật đáng trân trọng, đặc biệt trong bối cảnh khói lửa chiến tranh và sự xa cách không biết ngày đoàn tụ.
Khi viết thư, ông cũng rất ít khi đề cập sự khốc liệt nơi chiến trường mà luôn thể hiện tinh thần sẵn sàng lăn xả vì đất nước. Bức thư ông gửi vợ ngày 15/11/1960 khi ở Liên Xô có đoạn nhắc đến các con: ''Anh nhìn đến đời chúng sau này anh càng sung sướng vì dù sao anh cũng thấy được người thật sự sống sung sướng là con chúng ta. Còn anh, anh đổi thanh xuân sôi nổi để cống hiến cho Tổ quốc, cho những năm tháng chiến tranh''.
Bà An Vinh cũng yêu thương chồng không kém. Hiểu rõ tình yêu vợ con của Thiếu tướng nơi chiến trường, ở mỗi bức thư, bà thường cập nhật cho ông biết con đã lớn thế nào, sức khỏe của bản thân ra sao. Bà không ngừng nhắc đến việc các con mong cha trở về, phần nào tiếp thêm động lực chiến đấu cho ông: ''An càng lớn càng giống anh nhiều...'', ''Bé Hồng thì chưa biết gì, mà cũng không biết ba là ai cả. Nó vừa gầy vừa yếu, nhưng ngoan lắm'', ''Anh ạ, nếu anh sống bên cạnh hai đứa con thì anh sẽ thấy tình yêu của chúng ta sâu sắc hơn, không ngày nào em không nghĩ đến anh...''.
Ông Tiến cũng cho biết chỉ cần bà An Vinh đau dạ dày hay thèm ăn gì, bất kể ban đêm hay trời lạnh, ông Hoàng Đan sẵn lòng đi mua thuốc giảm đau hoặc món bà thích. Con cháu nhiều lần ngăn cản vì lo cho sức khỏe ông nhưng ông thường không nghe, luôn chiều theo mọi yêu cầu của vợ. Vì vậy, khi thiếu tướng đột ngột qua đời năm 2003, bà Vinh đau buồn đến ốm nặng, một thời gian mới nguôi ngoai. Mười chín năm sau, bà cũng "về" với ông.
Tham khảo:
- 'Thư cho em' - mối tình vượt hai thế kỷ của thiếu tướng Hoàng Đan - Báo VnExpress (29/3/2024)
>> Vị tướng đầu tiên của Tây Nguyên đại ngàn, giác ngộ Cách mạng khi còn là lính khố xanh