Trước tình trạng các ví điện tử bị lợi dụng thanh toán cho các hoạt động kinh doanh phi pháp, đại diện MoMo và ZaloPay mong sớm được kết nối với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư.
Với việc sử dụng hình thức chuyển tiền giữa cá nhân với nhau qua ví điện tử, tài khoản ngân hàng, đang giúp các đối tượng kinh doanh phi pháp tại Việt Nam thu lợi bất chính. Các giao dịch này được thực hiện nhanh chóng, tức thời, các ngân hàng cũng như các tổ chức ví điện tử rất khó có thể xác định được mục đích của giao dịch chuyển tiền để ngăn chặn. VietNamNet xin giới thiệu chuỗi bài viết về vấn đề này.
- Bài 1: Lợi dụng giao dịch cá nhân ngân hàng và ví điện tử để kinh doanh phi pháp
- Bài 2: MoMo và ZaloPay nói gì khi bị lợi dụng thanh toán vi phạm pháp luật?
Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập MoMo cho biết, nhằm chung tay ngăn chặn vấn nạn lợi dụng ví điện tử, cổng thanh toán, ngân hàng để đánh bạc online, MoMo đã thực hiện các biện pháp rà soát hệ thống, truy quét các tài khoản và giao dịch đáng ngờ, báo cáo và phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh và xử lý vi phạm.
Trong năm 2022, công ty đã rà soát hàng trăm nghìn giao dịch nghi vấn, tiến hành chặn, khoá giao dịch hoặc báo cáo cơ quan chức năng các tài khoản có dấu hiệu vi phạm.
Công ty cũng đã đầu tư hàng chục tỷ đồng, bố trí hàng trăm chuyên gia và lập trình viên, đồng thời đầu tư thêm nhiều thiết bị, giải pháp phần mềm từ tháng 12/2021, để tập trung nghiên cứu và thử nghiệm các mô hình và tìm phương án ngăn chặn loại hình cờ bạc nói trên.
Đến tháng 9/2022, nhóm dự án đã đề xuất phương án hiển thị mã giao dịch (tham chiếu) trước khi giao dịch thành công, từ đó phá huỷ cơ chế cá cược dựa trên yếu tố may rủi của mã giao dịch. Sau 4 tháng lập trình lại toàn bộ các quy trình và luồng dịch vụ của toàn bộ hệ thống lõi, đồng thời chạy thử nhiều lần, MoMo đã thành công trong việc xuất mã giao dịch từ hệ thống trước khi giao dịch hoàn thành.
Từ ngày 18/2/2023, MoMo đã thực hiện nâng cấp lên phiên bản 4.0.16. Từ phiên bản nâng cấp này, ứng dụng đã hiển thị mã giao dịch (tham chiếu) cho người gửi tiền trước khi họ thực hiện giao dịch. Đồng thời, công ty đã đầu tư mua bản quyền và tích hợp công nghệ của các công ty bảo mật hàng đầu thế giới để bảo vệ ứng dụng trước các hình thức giả lập.
Sau khi triển khai các biện pháp nêu trên, đặc biệt là việc nâng cấp hệ thống và hiển thị trước mã giao dịch trên ứng dụng, thông qua rà soát mạng xã hội và các trang web có liên quan, công ty đã ghi nhận hầu hết các hoạt động cờ bạc theo hình thức cá cược chẵn lẻ quy mô lớn về cơ bản đã bị ngăn chặn, loại trừ.
MoMo cũng đã kiến nghị với các cơ quan quản lý cho phép các doanh nghiệp trung gian thanh toán, ví điện tử kết nối với CSDL quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý để giúp cho việc định danh điện tử, xác thực thông tin người dùng nhanh chóng và chính xác, góp phần rà soát và ngăn chặn được các tài khoản và giao dịch đáng ngờ, tăng tính hiệu quả trong việc phòng, chống tội phạm công nghệ.
Bà Lê Lan Chi, Tổng Giám đốc ZaloPay cũng chia sẻ, bên cạnh nhiều phương thức đã và đang được triển khai từ phía Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ Công an, Bộ TT&TT trong thời gian qua, các trung gian thanh toán cũng mong được các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc kết nối với CSDL quốc gia về dân cư phục vụ xác thực, xác minh thông tin người dùng.
Đại diện ví điện tử này cho rằng, việc triển khai các biện pháp ngăn ngừa xử lý các đối tượng lợi dụng các kênh thanh toán để thanh toán cho các dịch vụ vi phạm pháp luật hiện nay là yêu cầu chung, cần sự phối hợp chặt chẽ của cả cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông, ngân hàng, các trung gian thanh toán, và đặc biệt là người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực thanh toán, một trong những điểm mấu chốt nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng giao dịch cá nhân để hoạt động kinh doanh phi pháp, đó là các tài khoản ví điện tử, ngân hàng phải chính chủ. Bởi lúc đó, sẽ xác định được cá nhân tham gia thanh toán cho các hình thức vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng rất dễ để xử lý các trường hợp vi phạm, so với việc khó xác minh như hiện nay vì đa số tài khoản sử dụng là tài khoản “rác”.
Về vấn đề này, mới đây, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cũng cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước đang quyết liệt yêu cầu các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán phối hợp với các cơ quan của Bộ Công an rà soát, làm sạch dữ liệu. Đảm bảo dữ liệu thanh toán được lưu trữ, quản lý là các dữ liệu "sạch", đã được kiểm tra. Điều này nhằm đạt được mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đang hướng tới là từ 1/4/2024, mở tài khoản phải chính chủ và sử dụng dịch vụ ngân hàng phải chính chủ.
Đồng thời, cơ quan này đã nghiên cứu dự thảo, gửi các tổ chức tín dụng, lấy ý kiến về biện pháp xác thực bằng sinh trắc học, thu thập dữ liệu từ căn cước công dân gắn chip. Đây là tiền đề để đảm bảo chính chủ khi mở tài khoản bằng eKYC, cũng là tiền đề để đảm bảo người mở tài khoản là người thực hiện dịch vụ thanh toán. Khi thực hiện giao dịch thì người thực hiện giao dịch sẽ được kiểm tra sinh trắc học bằng khuôn mặt.
Dự kiến, quyết định này sẽ có hiệu lực từ 1/4/2024 để có đủ thời gian cho các tổ chức tín dụng, các trung gian thanh toán thu thập dữ liệu người dùng.
Bài 4: Ngân hàng Nhà nước: Sẽ yêu cầu định kỳ xác thực lại khách hàng