Vị Lưỡng quốc Trạng nguyên kiệt xuất nhất sử Việt, từng làm quan trải qua 3 đời vua

08-03-2024 08:29|Thùy Dung

Bên cạnh tài năng xuất chúng, thông minh kiệt xuất, ông này còn có một mối tình xuyên biên giới vô cùng nổi tiếng.

Tài trí hơn người

Mạc Đĩnh Chi (1272-1346), tự là Tiết Phu, người làng Lũng Động, Chí Linh, nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách (Hải Dương).

Ông mồ côi cha từ nhỏ, nhà nghèo, hai mẹ con phải đi vào rừng kiếm củi để kiếm sống hàng ngày. Không mấy lúc Mạc Ðĩnh Chi ngơi đọc sách, nghiền ngẫm nghĩa sách, kể cả lúc gánh củi đi bán. Không có tiền mua nến để đọc sách, Mạc Ðĩnh Chi đốt củi, hết củi lấy lá rừng đốt lên mà học. Câu chuyện lý thú nhất là bắt nhiều đom đóm cho vào vỏ trứng để lấy ánh sáng thay đèn mà học. Mạc Ðĩnh Chi nổi tiếng thần đồng cả xứ Hải Ðông.

Mạc Ðĩnh Chi nổi tiếng là thần đồng xứ Hải Ðông. Ảnh minh họa

Mạc Ðĩnh Chi nổi tiếng là thần đồng xứ Hải Ðông. Ảnh minh họa

Bấy giờ Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc mở học đường ở phủ đệ mình thu hút rất nhiều con nhà quyền quý. Mạc Đĩnh Chi dù nhà nghèo nhưng do có thiên tư nên cũng đã được thu nhận vào học đường. Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chép: Ích Tắc "từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài như bọn Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu... gồm 20 người, đều được dùng cho đời".

Đến năm 1304, đời Vua Anh Tông, triều đình mở khoa thi, lấy 44 người đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ). Mạc Đĩnh Chi đỗ đầu, chiếm học vị Trạng nguyên, lúc này ông mới hơn 20 tuổi. Sử chép: "Tháng 3 (1304), thi kẻ sĩ trong nước. Ban cho Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi chức Thái học sinh hỏa dũng thủ, sung làm nội thư gia".

Tương truyền, khi ông ra mắt Nhà Vua, Anh Tông thấy ngoại hình ông không đẹp, không muốn cho đỗ Trạng. Ông liền làm bài phú “Ngọc tỉnh liên” (Hoa sen trong giếng ngọc) để nói lên phẩm giá thanh cao của mình, dâng lên Vua. Anh Tông xem bài phú thấy rõ tài hoa, tư cách của ông nên cảm phục và cho đỗ Trạng nguyên. Sau thời gian coi sóc thư khố của Nhà Vua, ông được thăng chức Tả bộc xạ (Thượng thư)...

Vua quan phương Bắc chịu tài

Mạc Đĩnh Chi đã được Vua tin tưởng, giao cho đi sứ nước Nguyên hai lần (1308 và 1324). Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chép: “Mậu Thân (1308) sứ Nguyên là Thượng thư An Lỗ Khôi sang báo tin Vũ Tông lên ngôi. Vua sai Mạc Đĩnh Chi sang Nguyên".

Cũng vẫn sách trên chép hai lần Trạng nguyên họ Mạc thể hiện tài ứng đối trước vua quan "thiên triều". Chuyện rằng: Đĩnh Chi thấp bé, người Nguyên khinh ông. Một hôm, viên Tể tướng mời ông vào phủ, cho cùng ngồi.

Mạc Đĩnh Chi được nhiều người nể phục với khả năng đối đáp thông minh. Ảnh minh họa

Mạc Đĩnh Chi được nhiều người nể phục với khả năng đối đáp thông minh. Ảnh minh họa

Lúc ấy, đang hồi tháng 5, tháng 6, trong phủ có bức trướng mỏng thêu hình con chim sẻ vàng đậu cành trúc. Đĩnh Chi vờ ngỡ con chim sẻ thực, vội chạy đến bắt. Người Nguyên cười ồ, cho là người phương xa bỉ lậu. Đĩnh Chi kéo bức trướng xuống, xé đi. Mọi người đều lấy làm lạ, hỏi tại sao.

Đĩnh Chi trả lời: "Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ, chứ chưa hề thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay trong bức trướng của Tể tướng lại thêu cành trúc với chim sẻ. Trúc là bậc quân tử, chim sẻ là kẻ tiểu nhân. Tể tướng thêu như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân". Mọi người đều phục tài của ông.

Đến khi vào chầu, gặp lúc nước ngoài dâng quạt, Vua Nguyên sai làm bài minh. Đĩnh Chi cầm bút viết xong ngay, lời bài minh như sau: "Lưu kim trước thạch, thiên địa vi lô, nhĩ ư tư thì hề, Y Chu cự nho/ Bắc phong kỳ lương, vũ tuyết tái đồ, nhĩ ư tư thì hề, Di Tề ngạ phu/ Y! dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng, duy ngã dữ nhĩ, hữu như thị phù. (Nghĩa là: Chảy vàng, tan đá, trời đất như lò, ngươi bấy giờ là Y Chu đại nho/ Gió bấc căm căm, mưa tuyết mịt mù, ngươi bấy giờ là Di Tề đói xo/ Ôi, được dùng thì làm, bỏ thì nằm co, chỉ ta cùng ngươi là thế ru!)”. Người Nguyên lại càng thán phục tài năng của ông.

Với tài hùng biện và khả năng dùng văn chương áp đảo triều thần nhà Nguyên, những câu ứng đối tài tình của Mạc Đĩnh Chi được chép nhiều trong sách sử Trung Hoa. Đặc biệt, ông từng được vua Nguyên khen tặng là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”.

Mối tình xuyên biên giới

Cũng trong chuyến đi sứ này, một trong những giai thoại được dân gian biết đến nhiều nhất là câu chuyện Mạc Đĩnh Chi cùng với sứ thần Cao Ly thi tài làm thơ đề quạt. Sau này, hai người đã trở thành một đôi bạn tri kỷ.

Khi Trạng Cao Ly về nước, ông mời Trạng Mạc sang thăm Cao Ly bốn tháng. Lần ấy, Trạng Cao Ly làm mối cho Trạng Mạc một người cháu gái để làm thiếp. Sau bốn tháng, người thiếp ấy theo Trạng Mạc về Trung Quốc, 5 năm sau thì bà về nước cùng với hai người con, một trai một gái.

Hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi hiện còn lưu lạc

Hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi hiện còn lưu lạc

Mười năm sau, Trạng Mạc lại sang Cao Ly một lần nữa. Lần này, ông ở lại Cao Ly sáu tháng, đi du lãm khắp Cao Ly và có tập thơ truyền thế. Người Cao Ly rất hâm mộ ông, bởi ai cũng biết ông là bậc thông minh xuất chúng. Hết sáu tháng, ông trở về Trung Quốc rồi về Việt Nam, khi ấy người thiếp có mang đã ba tháng, sau sinh một bé trai.

Người vợ Cao Ly của ông rất chịu thương chịu khó nuôi nấng dạy bảo các con, dựng vợ gả chồng và thường ở với người con trai út. Sau đó, bà từ biệt con cháu, đi vào chùa ở. Hai người con trai của Mạc Đĩnh Chi sau này cũng trở thành bậc kỳ tài của xứ sở Cao Ly. Người con trai cả của Trạng ra làm quan võ, sinh được 12 người con. Nhánh trưởng này phần đông là người giàu có. Nhánh thứ hai, sau này sinh ra nhiều nhân tài, phần nhiều là người trung nghĩa liêm khiết.

>> Người Việt duy nhất đỗ Trạng nguyên, làm đến chức Tể tướng ở triều đại hưng thịnh nhất của Trung Quốc với khả năng dự việc như thần vang danh cõi Bắc

Vị vua duy nhất Việt Nam sống gần 60 năm ở châu Phi, đính hôn với người nước ngoài, trở thành hoạ sĩ

Vị vua nhiều con nhất chế độ phong kiến Việt, là ‘khắc tinh' của tội phạm tham quan, tử hình cả… bố vợ vì tham nhũng 30.000 quan tiền

Vị vua anh minh lỗi lạc nhưng thời trẻ từng ‘trốn’ xăm mình, xóa tục xăm của hoàng tộc, suýt bị phế truất vì... uống rượu ngủ quên

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/vi-luong-quoc-trang-nguyen-kiet-xuat-nhat-su-viet-tung-lam-quan-trai-qua-3-doi-vua-d117129.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Vị Lưỡng quốc Trạng nguyên kiệt xuất nhất sử Việt, từng làm quan trải qua 3 đời vua
POWERED BY ONECMS & INTECH