Lời tiên tri về cuộc đời Võ Tắc Thiên năm nào lại có thêm cơ sở lý giải khi bí mật trong ngôi mộ cổ của hậu duệ gia tộc Gia Cát ở Tây An được hé lộ.
Gia Cát Lượng (181 - 234), tự là Khổng Minh, hiệu là Ngọa Long, là một vị quân sư, nhà chính trị, ngoại giao kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc. Ông được coi là khai quốc công thần, Thừa tướng của nhà Thục Hán trong thời Tam Quốc.
Ngay từ nhỏ, Gia Cát Lượng là đứa trẻ vô cùng thông minh, hiếu học, đọc đủ loại sách vở và tầm sư học đạo khắp nơi. Tương truyền rằng Gia Cát Lượng trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, được hậu thế đời đời xem như hóa thân của trí tuệ. Ông không chỉ giỏi việc chính sự, có tài về bày mưu lập kế mà còn biết bấm độn, chiêm tinh, xem quẻ…
Các tư liệu lịch sử hay giai thoại nhân gian lưu lại không ít những lời tiên tri nổi tiếng của Khổng Minh, thế nhưng đặc biệt ở chỗ, tiên đoán của ông về các nhân vật lịch sử thuộc thời đại sau hầu hết chính xác đến mức đáng kinh ngạc.
Và có lẽ, lời tiên tri ứng nghiệm của Gia Cát Lượng về số phận của Võ Tắc Thiên chính là một trong những minh chứng tiêu biểu cho nhận định trên.
Cuộc đời Võ Tắc Thiên qua lời sấm truyền của Gia Cát Lượng
Được biết, lời tiên tri của Gia Cát Lượng đối với hậu vận của Võ Tắc Thiên xuất hiện trong tác phẩm thứ tư của một cuốn sách có tên là "Mã Tiền Khóa" (hay "Mã Tiền Thần Khóa"). Cuốn sách được biết tới như một trong những danh tác để đời của Gia Cát Lượng, tập hợp 14 tác phẩm như lời tiên đoán giản lược về lịch sử Trung Hoa cổ đại.
Lời tiên tri đó nguyên văn như sau: “"Thập bát nam nhi, khởi vu thái nguyên, động tắc đắc giải, nhật nguyệt lệ thiên". Cụ thể, hai chữ "nam nhi" trong cụm từ "thập bát nam nhi" có thể xem là biểu thị cho con trai, như vậy hợp lại sẽ tạo thành chữ "Lý". Cùng với đó, hai cụm "khởi vu thái nguyên", "động tắc đắc giải" chính là biểu thị cho dự đoán của Gia Cát Lượng về việc Đường Cao Tổ Lý Uyên sẽ khởi binh tại đất Thái Nguyên (Trung Quốc) để tìm ra con đường thoát khỏi hiểm cảnh nguy nan lúc bấy giờ.
Sau khi đưa ra những tiên đoán về sự thành lập của Đường triều, Gia Cát Khổng Minh cũng đưa ra lời tiên tri đối với Võ Tắc Thiên, nhân vật đã khiến giang sơn của hoàng tộc họ Lý phải đứt gánh giữa đường.
Theo đó, cụm từ "nhật nguyệt lệ thiên" có thể hiểu là mặt trăng và mặt trời đều cùng nhô lên cao, ánh trăng và thái dương cùng sáng chính là điềm lành, cũng được xem là biểu thị cho chữ "Chiếu", mà Võ Tắc Thiên năm xưa cũng vừa hay có tên gọi là "Võ Chiếu".
Như vậy là chỉ thông qua một câu văn ngắn trong "Mã Tiền Khóa", Gia Cát Lượng từ sớm đã nhìn trước được việc Võ Tắc Thiên sẽ lên ngôi xưng đế và trở thành một trong những nhân vật khiến giang sơn nhà Lý Đường sụp đổ.
Bí mật trong ngôi mộ cổ ở Tây An được hé lộ
Tuy nhiên Gia Cát Lượng và Võ Tắc Thiên sống trong hai thời kỳ khác nhau, chênh lệch hàng trăm năm, vậy làm sao ông có thể dự đoán chính xác như vậy? Một số người cho rằng việc này chỉ đơn giản là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, trong khi những người khác tin rằng Gia Cát Lượng chắc chắn phải dựa vào một cơ sở nào đó để đưa ra dự đoán này.
Theo Qulishi, vào khoảng tháng 11 năm 2010, giới khảo cổ Tây An đã phát hiện ra một ngôi mộ cổ có niên đại từ thời nhà Đường. Chủ nhân ngôi mộ được xác định là phu nhân của "Vũ Phủ Quân" thuộc triều đại này. Tấm mộ chí bên trong cũng ghi rõ: "Phu nhân húy là Phân, tự Anh, họ Gia Cát, người đất Lang Gia".
Vị phu nhân nằm trong ngôi mộ Đường triều ấy là Gia Cát Phân, một trong những hậu duệ của Gia Cát Lượng. Chưa dừng lại ở đó, "Vũ Phủ Quân" (chồng của Gia Cát Phân) lại không phải nhân vật xa lạ nào mà chính là Võ Sĩ Dật – tức bác trai của Nữ hoàng Võ Tắc Thiên sau này.
Theo sử cũ ghi lại, sau khi Võ Tắc Thiên lên ngôi Hoàng đế, con cháu của Gia Cát Phân và Võ Sĩ Dật đều trở thành vương công, quý tộc và nhận được không ít hậu đãi.
Như vậy có thể thấy, hàng trăm năm sau khi Khổng Minh tạ thế, gia tộc của ông lại vô tình trở thành thông gia với gia tộc Võ Tắc Thiên – người mà ông đưa ra tiên đoán từ lúc sinh thời.
Cũng bởi vậy mà sau khi thông tin về ngôi mộ cổ của gia tộc Gia Cát ở Tây An được tiết lộ, không ít người đã cho rằng: Gia Cát Lượng năm xưa vốn nhờ vào việc biết trước mối quan hệ thông gia này cho nên mới có thể đoán đúng về việc Võ Tắc Thiên xưng đế.
Thế nhưng dù cho lời tiên tri nói trên được Ngọa Long tiên sinh đưa ra dựa trên cơ sở nào thì sự thật là những lời tiên đoán của ông hầu hết đều ứng nghiệm tới mức đáng kinh ngạc.
Liệu sự như thần
Một ví dụ khác về tài tiên tri của Gia Cát Lượng có liên quan đến Lưu Bá Ôn, khai quốc công thần nhà Minh. Theo đó, trong một lần xuất chinh tấn công kẻ thù, Lưu Bá Ôn bị lạc vào một hang núi. Trong hang, ông lần ra được một tấm bia đá khắc dòng chữ: “Vạn đại quân sư Gia Cát Lượng, thống nhất sơn hà Lưu Bá Ôn”, phía dưới có dòng chữ đề “Gia Cát Lượng thủ bút”.
Nghĩa của dòng chữ khắc trên bia có thể được diễn giải rằng Gia Cát Lượng chính là quân sự tài giỏi nhất vạn đời nhưng Lưu Bá Ôn mới là người có thể thống nhất giang sơn. Sau tấm bia còn có bản đồ chi tiết chỉ dẫn đường ra khỏi hang. Lưu Bá Ôn cứ lần theo bản đồ ấy, cuối cùng cũng thoát khỏi được hang sâu, bảo toàn mạng sống để sau này phụng sự đắc lực cho Chu Nguyên Chương, kiến lập ra triều Minh.
Và có lẽ cũng chính những lời tiên tri ứng nghiệm bất chấp thời đại ấy đã khiến Gia Cát Khổng Minh được hậu thế xem như một nhân vật truyền kỳ hiếm có của Trung Hoa.