Theo Thống đốc NHNN, việc các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khi tiếp cận vốn vay ngân hàng phần lớn đến từ nguyên nhân pháp lý.
Phát biểu và giải trình tại phiên họp về kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng 1/6 về điều hành lãi suất và tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết năm 2022 và năm 2023 chính sách tiền tệ được điều hành trong bối cảnh khó khăn, thách thức. Trong khi đó, chính sách tiền tệ được giao khá nhiều nhiệm vụ và những nhiệm vụ này khó đạt được trong cùng một thời điểm.
Thống đốc NHNN cho biết: "Đối với điều hành lãi suất, nhu cầu giảm lãi suất là mong muốn của doanh nghiệp khi vay vốn. Tuy nhiên, điều hành lãi suất cần được xem xét trong tổng thể điều hành chính sách kinh tế vĩ mô".
Theo thống đốc, có 2 lý do quan trọng để chấp nhận mặt bằng lãi suất cao hơn đó là lãi suất quốc tế đồng loạt tăng nhanh và mạnh. Ở trong nước, bình quân lạm phát tăng 3,15%, ở mức thấp nhưng vẫn cao hơn mức 1,84% trong năm 2021. Cuối năm 2022, lạm phát so với mức cùng kỳ đã là 5%. Chính vì vậy, việc điều hành trong nước là không thể chủ quan.
"Bên cạnh đó, xuất phát từ áp lực mất giá của VND khi đồng USD tăng giá mạnh, thời điểm tháng 9-10/2022, áp lực mất giá đến 9-10%. Nếu không có giải pháp linh hoạt, đồng bộ thì khó giữ được mức tỷ giá quanh 3,5% trong năm 2022", lãnh đạo NHNN cho biết.
Về việc doanh nghiệp gặp khó khăn trong vay vốn ngân hàng, Thống đốc cho biết, hiện có nhiều nhóm doanh nghiệp với các khó khăn khác nhau và cần các giải pháp khắc phục khác nhau.
Theo đó, đối với nhóm doanh nghiệp không có đơn hàng, phải tháo gỡ khó khăn đầu ra, các doanh nghiệp cần khai thác thị trường nội địa với 100 triệu dân để thay thế sự suy giảm của thị trường nước ngoài.
Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ điều kiện vay vốn cũng không thể tiếp cận vốn ngân hàng, theo đó cần có giải pháp như bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp này.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi họp sáng ngày 1/6. |
Với các doanh nghiệp bất động sản, Thống đốc NHNN cho biết, nhóm này thường có tăng trưởng tín dụng cao hơn so với tăng trưởng chung của nền kinh tế. Với những khó khăn hiện nay thì 70% là khó khăn về pháp lý, theo đó cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, các doanh nghiệp phải rà soát giảm giá bất động sản để kích thích tín dụng cho doanh nghiệp và người mua nhà.
"Những tháng đầu năm, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng giảm thủ tục hành chính, cho vay dựa trên phương án khả thi và có khả năng trả nợ và không nhất thiết phải có tài sản đảm bảo", bà Hồng nhấn mạnh.
Về gói cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm, lãnh đạo NHNN cho biết đến nay kết quả giải ngân gói tín dụng này vẫn thấp do tâm lý e ngại của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng khó đánh giá khả năng phục hồi. Trước tình hình đó, Chính phủ đã trình Quốc hội cho chuyển 24.000 tỷ đồng để giảm thuế VAT. Hiện nay NHNN đang trình Chính phủ bỏ từ "có khả năng phục hồi" để tiếp tục triển khai.
Về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, đây là gói tín dụng do 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tự nguyện tham gia để hỗ trợ lãi suất cho người thu nhập thấp có thời hạn đến năm 2030. NHNN chỉ hướng dẫn áp dụng lãi suất trong thời gian ưu đãi.
Với gói này, Thống đốc Hồng cho biết nhu cầu mua nhà ở xã hội cao nhưng đó chỉ là một vấn đề, bởi quyết định vay hay không là do người dân. Trong Luật Nhà ở hiện nay cũng cho phép doanh nghiệp mua nhà để bố trí nhà ở cho công nhân sẽ giúp gói tín dụng này tăng dư nợ giải ngân.
Tính đến 30/11: VietinBank đạt dư nợ tín dụng 1,7 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 14,2%
TS. Cấn Văn Lực: Fintech Việt Nam đối mặt áp lực lớn từ cạnh tranh ngân hàng