Có ý kiến cho rằng doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án PPP đang bị đối xử bất bình đẳng, bị Nhà nước quản lý như nhà thầu.
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) lý giải với Diễn đàn Doanh nghiệp về việc vì sao các hợp đồng theo phương thức đối tác công tư (PPP) chưa hấp dẫn nhà đầu tư.
Theo ông Hạ, Nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp tư nhân có thương hiệu sẵn sàng đấu thầu “sòng phẳng”. Nhưng có ý kiến cho rằng doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án PPP đang bị đối xử bất bình đẳng, bị Nhà nước quản lý như nhà thầu.
Theo ông, tại sao phương thức đối tác công tư (PPP) không đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư?
Một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư (NĐT) e ngại tham gia vào dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) mới là do hợp đồng chưa được tuân thủ và có sự bất bình đẳng.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư và doanh nghiệp rất khó tiếp cận trong hoạt động đấu thầu. Đặc biệt, với chỉ định thầu nhà đầu tư tư nhân lại càng khó “gần”. Nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp cho rằng, việc phải bỏ ra một khoản “chi phí” để trúng thầu được coi như một việc “tất yếu” và “ngầm” được hiểu như một luật “bất thành văn”. Nhà đầu tư và doanh nghiệp cũng cảm thấy “nản chí” bởi thủ tục hành chính.
Về nguyên lý, nhà đầu tư được làm những gì luật không cấm, nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được làm những gì pháp luật quy định, nên trong hợp đồng dự án PPP, phần quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà đầu tư thường rất chặt chẽ, kèm theo những chế tài cụ thể nếu có vi phạm. Trong khi đó, phần nghĩa vụ, trách nhiệm và chế tài đối với cơ quan ký kết hợp đồng thường chỉ chung chung, mang tính nguyên tắc, dẫn chiếu quy định pháp luật có liên quan.
Thực tiễn đàm phán các hợp đồng dự án PPP nói chung và hợp đồng BOT nói riêng cho thấy, rất khó để có thể thỏa thuận việc phạt vi phạm hợp đồng đối với cơ quan ký kết hợp đồng, nhất là đối với hình thức phạt tiền. Luật PPP, Nghị định 35/2021/NĐ-CP cũng không quy định về các trường hợp cơ quan ký kết vi phạm hợp đồng cũng như chế tài xử lý trong các trường hợp đó, mà chỉ quy định đối với doanh nghiệp. Điều này khiến các doanh nghiệp không có cơ sở pháp lý để đàm phán khi ký kết hợp đồng và phần nào thể hiện vị thế không cân bằng giữa các bên tham gia.
Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cho mô hình PPP trở nên kém hấp dẫn nhà đầu tư, thưa ông?
Đúng vậy! Doanh nghiệp rất “sợ” bỏ ra một khoản tiền lớn đầu tư vào dự án nhưng khi có “vấn đề” thì Nhà nước lại “bỏ lửng”, không giải quyết dứt điểm các khúc mắc trong quá trình thực hiện dự án.
Trong khi đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp phải đi vay vốn ngân hàng trong nước và quốc tế để đầu tư, lãi suất vay hàng năm vẫn phải trả, nhưng chỉ vì vướng mắc thủ tục thanh toán hay một khâu nào đó lại không được giải quyết để doanh nghiệp phải rơi vào vòng nợ nần. Đến khi giải quyết xong thì doanh nghiệp cũng hết lãi, âm vốn, thậm chí đi vào con đường phá sản.
Vậy, ông có đề xuất gì để PPP trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư, doanh nghiệp tư nhân?
Thứ nhất, vốn nhà nước không thể “cứng” 50%. Việc nới biên độ tỷ lệ hỗ trợ của NSNN có thể hơn 50% tùy vào tính chất và đặc thù của từng dự án là giải pháp cần làm ngay nhằm hấp dẫn nhà đầu tư.
Thứ hai, gỡ vướng mắc về nguồn huy động vốn cho nhà đầu tư. Tại các nước phát triển, vốn đầu tư cho dự án kết cấu hạ tầng đến từ nhiều nguồn như NSNN, vốn phát hành trái phiếu dự án, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và vốn vay từ các định chế tài chính hoặc quỹ đầu tư phát triển đường cao tốc. Đặc biệt, quỹ đầu tư phát triển đường cao tốc đóng vai trò rất quan trọng.
Tuy nhiên, quỹ này ở Việt Nam chưa hình thành, còn phương án phát hành trái phiếu dự án có quy định trong Luật PPP nhưng chưa có hướng dẫn triển khai. Như vậy, khi ngân hàng không cam kết tín dụng thì nhà đầu tư sẽ hết cơ hội.
Thứ ba, vấn đề trả lãi vay và doanh thu các dự án BOT giao thông. Dự án PPP giao thông thường có vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài. Nhưng tại hợp đồng dự án được các bên ký kết đã thống nhất đảm bảo lợi nhuận hàng năm theo tỷ suất sinh lời trong suốt vòng đời của dự án BOT. Thực trạng trên làm nhiều doanh nghiệp BOT gặp khó khăn.
Thứ tư, thẩm quyền của nhà đầu tư đối với các hạng mục công trình phụ trợ cũng chưa rõ ràng. Đơn cử, dọc tuyến theo quy định tại Điều 48 Luật Giao thông đường bộ thuộc quyền nhà đầu tư xây dựng đường cao tốc. Tuy nhiên, phần lớn dự án cao tốc, các hạng mục này được giao cho địa phương.
Từ thực tế bất bất bình đẳng trong quan hệ hợp đồng, theo tôi, PPP chỉ thành công khi cơ chế đặt cơ quan nhà nước vào vị trí đối tác của tư nhân khi ký kết, thực hiện hợp đồng dự án.
Trân trọng cảm ơn ông!
Liên danh Đèo Cả đề xuất lùi thời gian nộp đề xuất dự án PPP đường sắt Việt Lào hơn 27.000 tỷ
Khắc phục triệt để tính 'cát cứ', cục bộ trong xây dựng pháp luật