Vì sao Hà Nội có đến 4.000 căn hộ tái định cư xây xong bỏ đó?
Hàng vạn người dân không có chỗ ở nhưng lại bỏ hoang tới 4.000 căn hộ tái định cư. Đây chính xác là tình trạng nhức nhối cần giải quyết.
Hiện tại, Hà Nội có tới 9 dự án với khoảng 4.000 căn chung cư bỏ hoang. Những dự án tái định cư có người dân về ở, tổng diện tích tầng 1 của các dự án vào khoảng 33.000 m2 cũng vẫn bị bỏ trống nhiều năm, không có đơn vị nào thuê, sử dụng thương mại.
Quận Hoàng Mai có 4 dự án, tổng số tiền ngân sách cho xây dựng đã gần 2.000 tỉ đồng, trong đó dự án được đầu tư nhiều nhất là gần 800 tỉ đồng. Ngoài ra, nhiều dự án tái định cư dù có người dân về ở, tổng diện tích tầng 1 của các dự án lên đến hàng chục ngàn m2 vẫn bị bỏ trống nhiều năm, không có đơn vị nào thuê, sử dụng thương mại.
3 tòa nhà tái định cư N3 - N4 - N5 tại Khu đô thị Sài Đồng 17 năm vẫn đang bị bỏ trống, không có người về ở. Ảnh: CAND.
Hay ba tòa nhà tái định cư N3 - N4 - N5 nằm trên "đất vàng" của Khu đô thị Sài Đồng (phường Phúc Đồng, quận Long Biên) được xây dựng với mục đích phục vụ đề án giãn dân phố cổ của quận Hoàn Kiếm bị bỏ hoang nhiều năm nay. Với hạ tầng giao thông đồng bộ, nhưng từ khi được hoàn thiện năm 2006 đến nay, các tòa nhà vẫn nằm "đắp chiếu" gây lãng phí. Cách đó không xa, các khối nhà tái định cư nằm trên trục đường Lý Sơn (phường Thượng Thanh) cũng rơi vào cảnh xuống cấp do không được đưa vào sử dụng.
Một dự án cũng đang "đắp chiếu" khác là nhà tái định cư tại ngõ 22 đường Khuyến Lương (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai). Hai khối nhà tái định cư gồm một cụm nhà 15 tầng và một cụm nhà 9 tầng với hàng trăm căn hộ được xây dựng từ nhiều năm nay nhưng vẫn không có người ở.
Tương tự tại quận Cầu Giấy, dự án nhà tái định cư N01-D17 ở số 1 phố Duy Tân (lô góc ngã tư Trần Thái Tông - Duy Tân), phường Dịch Vọng Hậu được triển khai phục vụ giải phóng mặt bằng, thi công đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài. Dự án gồm 4 tòa nhà cao 15 tầng, 1 tầng hầm; diện tích từ 50 - 90 m2/căn, mỗi đơn nguyên có 5 căn hộ, 2 thang máy, 1 thang thoát hiểm. Công trình do UBND quận Cầu Giấy làm chủ đầu tư; 2 đơn vị thi công xây dựng là Công ty CP xây dựng số 5 Hà Nội và Tổng công ty đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị (UDIC). Công trình được khởi công từ năm 2010, dự kiến hoàn thành trong năm 2013. Nhưng đến nay, sau khi xây gần xong phần thô thì dừng lại, để hoang vì thiếu kinh phí hoàn thành.
Vì sao xây xong để đó?
Lý giải về việc nhiều dự án nhà tái định cư xây dựng xong rồi để đó, các lãnh đạo quận huyện đã có phản hồi trên báo chí.
ông Bùi Tiến Thành, Trưởng Phòng Phát triển đô thị - Sở Xây dựng TP Hà Nội, cho biết bên cạnh các dự án đã đưa vào sử dụng, còn một số dự án chưa hoàn thiện do còn thiếu các thủ tục cần thiết như nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy...
Còn lãnh đạo phường Trần Phú cho biết, nhiều trường hợp người dân trên địa bàn phường được mời ra bốc thăm nhận nhà nhưng từ chối, mong muốn được nhận tiền và tự tìm phương án tái định cư mới.
Dưới góc nhìn của các chuyên gia lại cho rằng, xây dựng nhà ở tái định cư là chưa đủ, mà cần phải thực hiện công tác an sinh xã hội tốt để người dân có lòng tin rằng cuộc sống ở nơi mới sẽ tốt hơn chỗ cũ. Nhà tái định cư phải gắn liền các chính sách an sinh xã hội như đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm tốt hơn, hoặc phục hồi thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân sau khi di dời. Rộng hơn nữa là nơi ở mới cần đáp ứng đầy đủ hạ tầng xã hội như: nhà trẻ, trường học, chợ... phục vụ người dân.
Trước thực trạng đất chật người đông, không có chỗ ở mà khu tái định cư lại "thừa mứa", một số chuyên gia đã hiến kế các giải pháp như nhà tái định cư chưa sử dụng có thể tạm thời cho người dân thuê để ở, làm văn phòng, dùng tiền thu được để duy tu chính, sửa chữa. Ngoài ra, có thể đề xuất phương án bán giá "phải chăng" cho những người có thu nhập thấp nhằm ổn định đời sống cho người dân, xóa dần các khu trọ "ổ chuột", nhà tập thể xập xệ...