Vị Trạng nguyên giỏi Toán nhất lịch sử Việt Nam khiến các sứ giả phương Bắc phải phục sát đất, nay tên được đặt cho nhiều địa danh trên khắp đất nước

02-05-2024 11:15|Thùy Dung

Ông được coi là một trong những bậc tài nhân đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển của toán học Việt Nam.

Lương Thế Vinh sinh năm 1441 ở làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, trấn Sơn Nam, nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo (Vụ Bản, Nam Định). Hồi nhỏ, ông nổi tiếng khỏe mạnh, học một biết mười, nhưng nghịch ngợm cũng bằng mười chúng bạn. Lớn lên một chút, ông được bố mẹ gửi tới học với cụ Giải nguyên Lương Hay ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa) và trở thành học trò giỏi của cụ, đỗ Trạng nguyên ngay trong lần đầu lều chõng đi thi vào năm 22 tuổi.

Đại thành toán pháp

Lương Thế Vinh được gọi là Trạng lường bởi rất giỏi đo lường, tính toán. Sách Thần đồng xưa của nước ta viết, tương truyền từ thuở nhỏ, có lần chơi cùng chúng bạn dưới gốc cây cổ thụ, cả nhóm thách đố nhau làm thế nào để biết được cây cao hay thấp. Một số cho rằng chỉ có cách trèo lên ngọn cây rồi dùng dây thòng xuống đất mà đo. Riêng Lương Thế Vinh nói không cần.

Lương Thế Vinh lấy chiếc gậy đo xem dài ngắn bao nhiêu, rồi dựng gậy lên mặt đất và đo chiều dài bóng gậy. Tiếp đoạn, ông đo bóng cây và sau một lát nhẩm tính đã tìm ra chiều cao của cây. Bọn trẻ không tin bèn dùng thừng nối lại, buộc hòn đá phía dưới rồi trèo lên tít ngọn cây dong thừng xuống đất để đo. Kết quả đúng như Vinh đã tính.

Lương Thế Vinh được gọi là Trạng lường bởi rất giỏi đo lường, tính toán

Lương Thế Vinh được gọi là Trạng lường bởi rất giỏi đo lường, tính toán

Học giỏi có tiếng, Lương Thế Vinh tham dự khoa thi Quý Mùi (1463) dưới thời vua Lê Thánh Tông và đỗ ngay Trạng nguyên. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép năm đó có tới 4.400 người dự thi, lấy đỗ 44 người. Phấn khởi trước thắng lợi của khoa thi khi mình mới lên ngôi, vua Lê Thánh Tông đã ban lá cờ khoa, tự tay đề ba vị khoa khôi thành một bài thơ: Trạng nguyên Lương Thế Vinh/ Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh/ Thám hoa Quách Đình Bảo/ Thiên hạ cộng tri danh.

Sau khi đỗ đạt, Lương Thế Vinh ra làm quan 32 năm, nổi tiếng thanh liêm, chính trực. Ông làm ở Viện hàn lâm, được thăng đến chức cao nhất trong viện. Ông thường khuyên vua chọn người hiền tài, đặt quan chức để "vì dân mà làm việc", nhà vua và triều đình phải "đồng tâm nhất thể"; đồng thời cũng khuyên vua xử tội các quan lại làm sai.

Ngoài việc triều chính, Lương Thế Vinh tham gia dạy học ở Quốc Tử Giám, Sùng Văn Quán và Tú Lâm cục - những trường cao cấp đào tạo nhân tài cho đất nước thời bấy giờ.

Trạng lường nổi tiếng phương Nam

Một lần sứ nhà Thanh là Chu Hy sang nước ta. Vua Thánh Tông sai Lương Thế Vinh ra tiếp. Hy nghe đồn nước Nam có ông Trạng đã nổi tiếng về văn chương âm nhạc, mà còn tinh thông cả toán học nên mới hỏi Lương Thế Vinh: "Có phải ông làm sách Đại thành toán pháp, định thước đo ruộng đất, chế ra bàn tính của nước Nam đó không ?. Lương Thế Vinh đạp: "Dạ, đúng thế. Nhân có con voi rất to đang kéo gỗ trên sông, Chu Hy thách đố: "Trạng thử cân xem con voi kia nặng bao nhiêu ?".

Dứt lời, Vinh xăm xăm cầm cân đi cân voi. "Tôi e chiếc cân của ông hơi nhỏ so với con voi đấy". Hy cười nói: "Thì chia nhỏ voi ra". Vinh thản nhiên trả lời: “Ông định mổ thịt voi à ?. Cho tôi xin một miếng gan nhé”. Lương Thế Vinh tỉnh khô không đáp. Đến bến sông, Trạng chỉ về phía chiếc thuyền bỏ không, sai lính dắt voi xuống thuyền. Do voi nặng nên thuyền lún sâu xuống nước. Lương Thế Vinh cho lính đánh dấu mép nước bên thuyền rồi dắt voi lên. Tiếp theo, Trạng ra lệnh đổ đá xuống thuyền cho tới khi thuyền chìm tới đúng dấu cũ thì ngưng đổ đá. Thế rồi Trạng bắt mang đá ra đi cân, đồng thời cho mời sứ nhà Thanh ra mà xem “cân voi".

Lương Thế Vinh có khả năng cân voi, đo giấy khiến người phương Bác thán phục. Ảnh minh họa

Lương Thế Vinh có khả năng cân voi, đo giấy khiến người phương Bác thán phục. Ảnh minh họa

Sứ Tàu trông thấy cả sợ, nhưng vẫn tỏ ra bình tĩnh coi thường. Khi xong việc, Hy nói: "Ông cũng giỏi đấy chứ, tiếng đồn quả không ngoa. Ông đã cân được voi to, vậy ông có thể đo được tờ giấy này dày bao nhiêu không ?". Sứ nói rồi xé một tờ giấy bản rất mỏng từ một cuốn sách dày đưa cho Lương Thế Vinh, kèm theo một chiếc thước. Thấy giấy mỏng mà vạch chia ở thước lại quá thô, Vinh nghĩ giây lát rồi nói: "Ngài cho tôi mượn cuốn sách". Sứ đưa ngay sách và cười nói: "Ông nghĩ sách có dạy cách đó chăng ?. Hay ông cho kết quả đã ghi sẵn ở trong sách ?".

Lương Thế Vinh lấy thước đo cuốn sách, tính nhẩm một lát rồi nói bề dày tờ giấy. Kết quả rất khớp với con số đã biết sẵn ở nhà. Nhưng sứ chưa tin tài Lương Thế Vinh: "Ông đoán mò cũng giỏi đấy!"

"Thưa không. Việc đo này rất dễ, ta chỉ cần đo bề dày cả cuốn sách rồi chia đều cho số tờ. Việc đó có khó gì đâu!

Sứ ngửa mặt lên trời than: "Danh đồn quả không sai. Nước Nam quả có lắm người tài! Lương Thế Vinh quả là kỳ tài!".

Muôn đời nhớ tên bậc tài nhân

Ông Trạng đa tài Lương Thế Vinh mất năm 1495 tại quê nhà, thọ 54 tuổi. Vua Lê Thánh Tông rất thương tiếc, làm một bài thơ Nôm gửi về phúng điếu. Câu cuối, nhà vua ai oán than "Lấy ai làm Trạng nước Nam ta?”

Nhà bác học Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII) đã hết lời ca ngợi Lương Thế Vinh, đánh giá ông là con người có tài kinh bang tế thế, một con người “tài hoa danh vọng vượt bậc”. Những đánh giá trên, thiết nghĩ là khá đầy đủ và đúng nhất về Trạng nguyên Lương Thế Vinh.

Quan điểm giáo dục và những đóng góp của Lương Thế Vinh được người đời ghi nhận. Ngày nay, nhiều đường phố, trường học được đặt theo tên của người thầy giáo mẫu mực này. Đền thờ Lương Thế Vinh tại huyện Vụ Bản (Nam Định) năm 1990 đã được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.

Bài viết có tham khảo:

Lương Thế Vinh - người thầy giỏi Toán 'khác mọi thầy' - VnExpress

Giai thoại về Trạng Nguyên Lương Thế Vinh- Người đặt nền móng cho nền Toán học Việt Nam - Pháp luật Việt Nam

>> Cô gái Việt vào top siêu trí nhớ thế giới nhờ bộ não thiên tài đạt 5 kỷ lục Việt Nam, nhớ được 618 hình ngẫu nhiên sau 5 phút

Gia đình duy nhất sử Việt 3 đời đỗ Trạng nguyên: Ông - con - cháu đều tài năng xuất chúng, có khả năng làm 100 bài thơ liền lúc

Vị Trạng nguyên đầu tiên được vua ban Lệ vinh quy bái tổ, là ông tổ nghề dệt chiếu Việt Nam, được nhân dân tôn xưng là Trạng Chiếu

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/vi-trang-nguyen-gioi-toan-nhat-lich-su-viet-nam-khien-cac-su-gia-phuong-bac-phai-phuc-sat-dat-nay-ten-duoc-dat-cho-nhieu-dia-danh-tren-khap-dat-nuoc-d121674.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vị Trạng nguyên giỏi Toán nhất lịch sử Việt Nam khiến các sứ giả phương Bắc phải phục sát đất, nay tên được đặt cho nhiều địa danh trên khắp đất nước
    POWERED BY ONECMS & INTECH