VICEM năm 2022: Doanh thu lập đỉnh - lợi nhuận về đáy

09-01-2023 15:06|Văn Thắng

Sang năm 2023, thị trường xi măng trong nước được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn do xây dựng dân dụng phục hồi chậm, các công trình, dự án cũng chậm triển khai khi gặp khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 qua đó bật mí về bức tranh kinh doanh ảm đạm trước diễn biến bất lợi của nguồn cung.

VICEM năm 2022: Doanh thu lập đỉnh - lợi nhuận về đáy
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại lễ tổng kết năm 2022 của Vicem

“2022 là năm VICEM đối mặt nhiều khó khăn thách thức khi tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp: Xung đột quân sự; hậu quả của đại dịch COVID-19, thị trường lớn như Trung Quốc duy trì chính sách Zero COVID... khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao…”, VICEM cho biết.

Tại Hội nghị, VICEM cho biết sản lượng sản xuất clinker năm 2022 đạt 20,65 triệu tấn - giảm 3,8% so với năm 2021; sản lượng sản xuất xi măng đạt 24,56 triệu tấn - tăng 1,7% YoY.

Cùng thời điểm, Tập đoàn tiêu thụ được 27,46 triệu tấn sản phẩm - giảm 6,7% so với năm 2021 trong đó tiêu thụ xi măng đạt 21,34 triệu tấn (tăng 5,6%) và tiêu thụ clinker đạt 2,88 tấn (giảm 45,6%).

Kết quả, VICEM ước tổng doanh thu đạt 39.453 tỷ đồng - tăng gần 17% so với năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế ước chỉ 1.532 tỷ đồng - giảm 30.5% so với năm 2021.

VICEM năm 2022: Doanh thu lập đỉnh - lợi nhuận về đáy

Lý giải về kết quả kinh doanh ảm đạm, VICEM đưa ra nhiều nguyên nhân trong đó nhấn mạnh: "Những khó khăn xuất phát từ xung đột Nga - Ukraine và thực tế thị trường diễn biến rất phức tạp, khó đoán định đã tác động tiêu cực đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành xi măng nói chung và VICEM nói riêng".

Ngoài ra, nguồn cung than cho sản xuất xi măng thiếu cả về số lượng, chất lượng, chủng loại và tăng giá đột biến. “Riêng giá than tăng cao đã làm chi phí than trong giá thành sản xuất xi măng của VICEM năm 2022 tăng khoảng 4.000 tỷ đồng so với năm 2021”, VICEM cho biết.

Trước tình hình chi phí tăng mạnh, VICEM cũng đã tăng giá bán. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ trong nước, xuất khẩu đều giảm, sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Trong quý 4/2022, nhu cầu tiêu thụ xi măng giảm sâu, dù đây là mùa tiêu thụ xi măng chủ yếu hàng năm. Trong khi đó, giá xuất khẩu xi măng, clinker không tăng. Thậm chí, các đơn vị thành viên VICEM phải bổ sung chiết khấu, khuyến mại để giữ vững sản lượng và thị phần.

“Do đó, mức tăng giá bán chưa đủ bù đắp ảnh hưởng của việc tăng chi phí đầu vào, làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 của các đơn vị thành viên VICEM”, công ty cho biết.

Cửa sáng nào cho năm 2023?

Sang năm 2023, thị trường xi măng trong nước được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn do xây dựng dân dụng phục hồi chậm, các công trình, dự án cũng chậm triển khai khi gặp khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Ngoài ra, thị trường bất động sản nhiều khả năng tiếp tục trầm lắng do "khát" vốn và ứ đọng thanh khoản. Các đơn vị sản xuất xi măng đang đứng trước áp lực giải quyết hàng tồn, nhiều đơn vị phải thực hiện dừng lò nung, giảm năng suất lò.

Giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, đặc biệt là giá than dự báo vẫn duy trì ở mức cao. Trong khi đó, giá bán xi măng chưa thể bù đắp, dẫn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm mạnh.

Với nhiều thách thức, VICEM đặt mục tiêu cho năm 2023 là sản xuất khoảng 21,2 triệu tấn clinker - tăng 2,6% so với năm 2022; tổng sản phẩm tiêu thụ khoảng 29,2 triệu tấn - tăng khoảng 6,3%; tổng doanh thu khoảng 40.919 tỷ đồng - tăng khoảng 3,7%; lợi nhuận trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá) khoảng 800 tỷ đồng - giảm 47,8% so với ước thực hiện năm 2022.

Tuy vậy, trong báo cáo cập nhật của Chứng khoán VNDirect, công ty này cho rằng ngành xi măng vẫn còn nhiều cửa sáng vào cuối năm 2023 khi giá nguyên liệu đầu vào giảm, nhất là than cốc, than nhiệt, thép phế.

Bên cạn đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại và đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy nhu cầu xi măng phục hồi.

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu xi măng lớn nhất của Việt Nam kể từ năm 2018 và chiếm 54% tổng sản lượng xuất khẩu xi măng năm 2021.

Chủ tịch HĐTV Vicem Bùi Xuân Dũng trở thành Thứ trưởng trẻ tuổi nhất của Bộ Xây dựng

Chủ tịch Vicem Bùi Xuân Dũng làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Vicem được tiếp tục hoàn thiện tháp nghìn tỷ trơ xương trên ‘đất vàng’ Hà Nội

Bài thuộc chủ đề Khai khoáng
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vicem-nam-2022-doanh-thu-lap-dinh-loi-nhuan-ve-day-165406.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
VICEM năm 2022: Doanh thu lập đỉnh - lợi nhuận về đáy
POWERED BY ONECMS & INTECH