Vĩ mô

‘Việt Nam cần sớm có khung pháp lý phát triển tài sản số’

Khúc Văn 29/07/2024 - 09:46

TS Phạm Anh Khôi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng tài sản số là cơ hội quý giá, giúp các quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể tham gia vào thị trường vốn toàn cầu với nhiều ưu điểm.

Thị trường tài sản ảo có thể tăng gấp đôi trong 4 năm kế tiếp

Theo Hiệp hội Blockchain Việt Nam, quy mô thị trường tài sản thực được token hóa (Real World Asset - RWA) dự kiến đạt 16.000 tỷ USD, tương đương 10% GDP toàn cầu vào năm 2030. Thị trường này thậm chí có thể tăng gấp đôi, lên tới 30.000 tỷ USD trong 4 năm kế tiếp.

‘Việt Nam cần sớm có khung pháp lý phát triển tài sản số’
Thị trường tài sản ảo có thể tăng gấp đôi trong 4 năm kế tiếp.

Các tài sản được token hóa là các tài sản hữu hình trong thế giới thực, được mã hóa và đưa vào hệ sinh thái blockchain như bất động sản, tác phẩm nghệ thuật, hàng hóa như vàng, dầu, cà phê. RWA là một trong 4 hợp phần tạo nên tài sản số nói chung, cùng 3 loại hình tài sản khác là tài sản mã hóa (Crypto assets), tài sản ảo (Virtual assets) và tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC).

Trong đó, nếu như tài sản mã hóa hay tài sản ảo có thể không được đảm bảo giá trị từ tài sản thực, còn CDBC do Ngân hàng Trung ương giữ toàn quyền phát hành, thì RWA lại có nhiều ưu điểm: được đảm bảo giá trị bởi tài sản thực kết hợp với tốc độ giao dịch nhanh chóng, xuyên biên giới của công nghệ blockchain và có thể được phát hành bởi các định chế tài chính khác nhau.

Theo TS Phạm Anh Khôi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, RWA giúp nâng cao tính minh bạch của tài sản, tăng khả năng thanh khoản ở phạm vi toàn cầu, chi phí giao dịch thấp và giúp các nhà đầu tư dễ dàng đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Cụ thể, bản chất của RWA là các tài sản thực (bất động sản, hàng hóa) được token hóa trên mạng blockchain nên được đảm bảo giá trị, giúp các nhà đầu tư yên tâm khi lựa chọn loại hình tài sản này.

Tốc độ giao dịch nhanh chóng, gần như ngay lập tức, không hạn chế thời gian, không gian giao dịch là ưu thế vượt trội của các tài sản RWA, giúp các tổ chức tài chính có thể giao dịch tức thì các tài sản xuyên biên giới thay vì chờ đợi theo các quy định T+2 như hiện nay.

Theo đó, việc token hóa các tài sản thực sẽ giúp tăng khả năng thanh toán cho các loại tài sản nhờ việc mở rộng thị trường trên phạm vi toàn cầu, không bị bó hẹp bởi biên giới quốc gia hay múi giờ hoạt động.

>>Cục Công nghiệp CNTT & Truyền thông tiếp tỷ phú công nghệ Vitalik Buterin

Cơ hội để nhà đầu tư đa dạng hoá danh mục đầu tư

Về tính đa dạng của các tổ chức phát hành, ông Phạm Anh Khôi cho biết RWA hiện được thử nghiệm và phát hành bởi nhiều định chế tài chính lớn, ví dụ như Ngân hàng Đầu tư châu Âu đã phát hành trái phiếu được token hóa trên các nền tảng do HSBC, Goldman Sach và các tổ chức khác cung cấp.

‘Việt Nam cần sớm có khung pháp lý phát triển tài sản số’
Tài sản ảo là cơ hội để nhà đầu tư đa dạng hoá danh mục đầu tư nhưng đang thiếu khung pháp lý.

Đối với RWA hàng hóa, nhiều thử nghiệm cũng đã và đang được tích cực tiến hành. Ngân hàng Santander đã khởi động một dự án thí điểm để cấp các khoản vay vốn cho nông dân Argentina, đảm bảo bằng các hàng hóa nông sản được tokenized như đậu tương, ngô và lúa mì. Các thử nghiệm tương tự khác cũng đang được các quỹ tương hỗ, các quỹ đầu tư tư nhân, quỹ tiền gửi xem xét.

Sau khi được token hóa từ tài sản thực, RWA sẽ được đảm bảo tính minh bạch ở mức độ cao nhất nhờ tính năng không thể sửa xóa của blockchain.

Ngoài ra các hoạt động quản trị cũng sẽ được mã hóa thông qua các quy trình tự động từ khâu bỏ phiếu, phân phối lợi nhuận, phân phối giá trị tài sản theo quy tắc đã đặt ra và được xác lập thông qua các hợp đồng thông minh, giảm thiểu các khâu trung gian đồng thời hạn chế các nguy cơ bị giả mạo xuống mức tối thiểu.

Đặc biệt, ông Khôi cho rằng việc token hóa các tài sản thực và chia nhỏ các giao dịch giúp tăng tính tiếp cận và thanh khoản, nhất là các tài sản có giá trị lớn, tính thanh khoản thấp như bất động sản, tín chỉ carbon... nhờ việc mở rộng thị trường giao dịch ra phạm vi toàn cầu thay vì bó hẹp trong biên giới các quốc gia.

“Chi phí giao dịch ở mức thấp, thậm chí chỉ tương đương 2 - 5% so với chi phí giao dịch truyền thống cũng là một ưu điểm không thể phủ nhận của RWA trên nền tảng blocckhain”, ông Khôi nói.

Ông Khôi cũng cho hay RWA được kỳ vọng sẽ giúp các nhà đầu tư và cả các quỹ có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư khi gần như bất kể tài sản, hàng hóa nào có giá trị cũng đều có thể được mã hóa, từ các tác phẩm nghệ thuật, công trình xây dựng, bất động sản... đến các sản phẩm vô hình như bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ.

Việt Nam sớm có chính sách quản lý chặt chẽ

Theo ông Phạm Anh Khôi, tài sản số nói chung và RWA là cơ hội quý giá, giúp các quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể tham gia vào thị trường vốn toàn cầu với ưu điểm là kênh dẫn vốn hiệu quả, chi phí thấp cho các dự án có tài sản thực tại Việt Nam.

Theo số liệu từ Chainalysis và đã được đại diện Bộ Tư pháp Mỹ chia sẻ cho thấy đã có tới 120 tỉ USD tiền mã hóa được chuyển vào Việt Nam trong vòng 1 năm, tính tới tháng 6/2023. Đáng chú ý, con số này cao gấp gần 5 lần so với con số 25 tỉ USD vào Việt Nam qua đường FDI. Tuy nhiên, do thiếu hành lang pháp lý quản lý tài sản số, tài sản ảo nên toàn bộ số tiền này đang chưa được kiểm soát tốt cũng như gây thất thu về thuế và kéo theo nhiều vấn đề khác như phòng chống rửa tiền, bảo vệ người dùng...

Theo ông Phạm Anh Khôi, nếu Việt Nam sớm có chính sách quản lý chặt chẽ thì thay vì việc đi vào nền kinh tế ngầm chưa được kiểm soát, dòng tiền này có thể sẽ trở thành một động lực tốt giúp thúc đẩy nền kinh tế. Trong đó, lĩnh vực đầu tiên có thể nhận được dòng vốn này chính là RWA do những ưu thế vượt trội của loại hình tài sản này như được đảm bảo giá trị bằng tài sản thực, thanh khoản nhanh và đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Tuy nhiên, ông Khôi cũng khuyến nghị các nhà đầu tư khi tham gia vào lĩnh vực tài sản số nói chung và RWA cần chuẩn bị kiến thức và hiểu biết về thị trường tài chính, công nghệ và pháp lý, tham vấn các chuyên gia, tổ chức đầu ngành, liên tục đánh giá và cập nhật các rủi ro biến động và pháp lý; lựa chọn nền tảng giao dịch uy tín và đặc biệt là cần có chiến lược đầu tư rõ ràng và đa dạng hóa danh mục để giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa lợi ích.

Quản lý tài sản ảo để tránh thất thu hàng tỷ USD từ 'kinh tế ngầm'

Tài sản ảo: ‘Giao dịch phổ biến nhưng thiếu khung pháp lý, dễ biến tướng’

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/viet-nam-can-som-co-khung-phap-ly-phat-trien-tai-san-so-243461.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    ‘Việt Nam cần sớm có khung pháp lý phát triển tài sản số’
    POWERED BY ONECMS & INTECH