Vĩ mô

Việt Nam có 10 tỷ phú USD vào năm 2030: ‘Khả thi nhưng còn nhiều thách thức’

Khúc Văn 13/10/2024 - 10:47

Việt Nam đặt mục tiêu với năm 2030 có ít nhất 10 tỷ phú USD, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều chuyên gia đánh giá, mục tiêu này rất thách thức.

Mục tiêu khả thi

Tháng 5/2024, nhằm thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Trong Nghị quyết 66, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú USD của thế giới và 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.

Việt Nam có 10 tỷ phú USD vào năm 2030: ‘Khả thi nhưng còn nhiều thách thức’
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tính đến thời điểm hiện tại, theo báo cáo của Forbes Việt Nam có 6 tỷ phú USD, bao gồm những cái tên “nổi đình nổi đám” như ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup với khối tài sản 4,2 tỷ USD. Ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục là người giàu nhất Việt Nam và xếp thứ 835 thế giới về độ giàu có.

Tiếp đến là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Vietjet Air với khối tài sản 2,9 tỷ USD. Thứ ba là “vua thép” Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát với khối tài sản 2,5 tỷ USD.

Các vị trí kế tiếp thuộc về ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank với khối tài sản 1,9 tỷ USD; ông Trần Bá Dương và gia đình với khối tài sản 1,2 tỷ USD. Cuối cùng là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan với khối tài sản 1,2 tỷ USD.

Bình luận về mục tiêu để Việt Nam có 10 tỷ phú USD vào năm 2030, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: Với 6 tỷ phú USD sẵn có, việc từ nay tới năm 2030 có thêm các tỷ phú USD khác là hoàn toàn khả thi, nhưng vẫn còn thách thức.

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, điều kiện thuận lợi để đạt được mục tiêu này là các tỷ phú Việt Nam hiện nay chủ yếu đến từ các ngành bất động sản, tài chính, công nghệ, và hàng không, là những ngành có tiềm năng tăng trưởng mạnh.

Điều đáng lưu ý, nền kinh tế Việt Nam đang duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lớn phát triển và mở rộng thị trường, từ đó gia tăng giá trị tài sản cá nhân của các doanh nhân.

Đặc biệt, công nghệ số và các ngành công nghệ cao đang là lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên phát triển, mở ra cơ hội cho các doanh nhân trở thành tỷ phú thông qua các đột phá về công nghệ.

Tuy nhiên, thách thức đang đặt ra cũng không hề nhỏ. Mặc dù đã có một số lượng các tỷ phú hiện nay, nhưng tính bền vững của các doanh nghiệp lớn vẫn là một vấn đề.

Các yếu tố như biến động thị trường, cạnh tranh quốc tế và quản trị doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng duy trì và gia tăng tài sản của họ. Việt Nam vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các doanh nghiệp quốc tế.

“Để đạt được số lượng tỷ phú mục tiêu, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nâng cao khả năng cạnh tranh, đặc biệt trong việc mở rộng thị trường quốc tế”, TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.

Mục tiêu không hẳn dễ dàng

Trong khi đó, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam đánh giá: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang nhiều bất ổn như hiện nay, việc Việt Nam phấn đấu năm 2030 Việt Nam có ít nhất 10 tỷ phú, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á không hẳn là một mục tiêu dễ dàng.

Việt Nam có 10 tỷ phú USD vào năm 2030: ‘Khả thi nhưng còn nhiều thách thức’
Việt Nam phấn đấu năm 2030 Việt Nam có ít nhất 10 tỷ phú, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á không hẳn là một mục tiêu dễ dàng.

Theo ông Bình, để nâng cao nội lực, quy mô, tầm vóc của doanh nghiệp cần có là các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn thử nghiệm ý tưởng mới, mô hình kinh doanh mới, hay công nghệ mới.

Đi kèm với đó là một môi trường pháp lý, một văn hoá khoan dung với những ý tưởng mới, với sự thất bại của các doanh nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp dám làm, dám chịu thất bại, và bắt đầu lại khi thất bại.

Điều này sẽ khuyến khích tinh thần kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp không chỉ ở các doanh nghiệp nhỏ mà còn ở các doanh nghiệp lớn.

“Chỉ có tinh thần kinh doanh mạnh mẽ, bền bỉ và được nuôi dưỡng, khuyến khích trong một môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn mới có thể giúp doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn, từ đó mới có thể sản sinh ra được những tỷ phú, những doanh nhân quyền lực với thời gian và trong khoảng thời gian như Nghị quyết vừa được Chính phủ ban hành”, ông Bình nhấn mạnh.

Theo TS Võ Trí Thành, các doanh nghiệp start-up, doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ và vừa chính là “linh hồn” của một nền kinh tế thị trường và đáng lý phải được quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa.

“Tạo dựng được các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng giống như việc xây một ngôi nhà lớn phải có móng vững chắc. Chỉ khi đó, kinh tế tư nhân mới thực sự phát triển và lớn mạnh, là hình ảnh, bộ mặt của quốc gia”, TS Võ Trí Thành nói.

Những khó khăn mà khối kinh tế tư nhân đang phải đối mặt còn có thể kể đến như chất lượng quản trị chưa cao, các khu vực kinh tế chưa có sự giao thoa và gắn kết, các doanh nghiệp mới chỉ lớn nhưng chưa đủ mạnh,…

“Do đó, cần những chính sách đủ mạnh, để khuyến khích và hỗ trợ kinh tế tư nhân, để kinh tế tư nhân không ngừng lớn mạnh. Khi đó, mục tiêu 10 tỷ phú USD không phải là điều xa xôi”, ông Thành nhấn mạnh.

>>CEO Nguyễn Đức Thạch Diễm: 'Khẳng định nội lực' là chìa khóa dẫn lối cho Sacombank trong giai đoạn bứt phá

'Phao cứu sinh' cho người dân, doanh nghiệp sau bão

Bí ẩn người phụ nữ quyền lực đại diện cho 4 doanh nghiệp nắm giữ gần 15,5% vốn tại TPBank (TPB)

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/viet-nam-co-10-ty-phu-usd-vao-nam-2030-kha-thi-nhung-con-nhieu-thach-thuc-253318.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Việt Nam có 10 tỷ phú USD vào năm 2030: ‘Khả thi nhưng còn nhiều thách thức’
POWERED BY ONECMS & INTECH