Việt Nam có gần 7,3 triệu tài khoản chứng khoán tương đương với 7,5% dân số
Chứng khoán Việt Nam ghi nhận sự gia tăng đáng kể của lớp nhà đầu tư gia nhập vào thị trường với gần 7,3 triệu tài khoản tương đương 7,5% dân số.
Vào chiều ngày 3/7, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tổ chức thành công Hội nghị "Tăng cường năng lực quản trị công ty cho các doanh nghiệp niêm yết" với nhiều thông tin chú ý.
Hội nghị nhằm thảo luận và triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng quản trị công ty minh bạch, gắn với các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cho các doanh nghiệp niêm yết, góp phần nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo đó, việc nâng hạng sẽ giúp thu hút được nhiều vốn đầu tư từ các quỹ quốc tế, nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu và cải thiện hình ảnh của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Đây là một bước khởi đầu quan trọng trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Tại Hội nghị, bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch UBCKNN đã có những chia sẻ về những thành tựu đạt được của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo đó, từ con số 3 doanh nghiệp niêm yết lúc ban đầu, chứng khoán Việt Nam chứng kiến bước tiến vượt trội với gần 1.800 doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch với giá trị vốn hóa đạt hơn 7 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2023, tương đương 69,1% GDP ước tính năm 2023.
Ngoài ra, số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư đạt gần 7,3 triệu tài khoản, tương đương 7,5% dân số cả nước. Nhiều doanh nghiệp đã huy động vốn thành công trên thị trường chứng khoán ở cả kênh cổ phiếu và kênh trái phiếu doanh nghiệp.
>> Nâng hạng TTCK thành công nhưng phải giữ được hạng, đâu là yếu tố 'sống còn'?
Hội nghị "Tăng cường năng lực quản trị công ty cho các doanh nghiệp niêm yết" diễn ra vào chiều ngày 3/7 |
Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp niêm yết ngày càng mở rộng quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh giúp thu hút được các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Trước tình hình đó, quản trị công ty là vấn đề rất quan trọng đối với doanh nghiệp giúp thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như khả năng tiếp cận thị trường vốn của doanh nghiệp, từ đó giúp gia tăng giá trị tài sản và uy tín của công ty.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chủ tịch UBCKNN, quản trị công ty còn tồn tại một số khó khăn như việc chất lượng quản trị công ty còn chưa đồng đều giữa các doanh nghiệp. "Hy vọng trong thời gian tới tất cả các doanh nghiệp tham gia TTCK đều quan tâm và có quản trị công ty tốt và đầy đủ theo thông lệ quốc tế", bà Phương bày tỏ.
Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐQT các doanh nghiệp niêm yết hàng đầu Việt Nam đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm quản trị công ty thông qua những định hướng, kiểm soát doanh nghiệp, hướng tới các tiêu chuẩn và thông lệ quản trị tốt, nhờ đó giảm thiểu rủi ro, khẳng định niềm tin với các đối tác và nhà đầu tư, đặt nền móng vững chắc cho thành công bền vững.
>> Gần 7,2 tỷ USD sẽ chảy vào TTCK Việt Nam mỗi năm khi quyết định nâng hạng có hiệu lực