Việt Nam dự kiến bỏ cấp huyện, sáp nhập một số tỉnh
Bộ Chính trị định hướng việc sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, đồng thời giao nhiệm vụ đề xuất chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, quy định của Đảng có liên quan.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa ban hành kết luận về một số nhiệm vụ trọng tâm trong việc tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong năm 2025.
Để triển khai nhiệm vụ này trong giai đoạn 2025 - 2030, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội cùng các cấp ủy, tổ chức đảng liên quan để nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp, bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện).
Đồng thời, các đơn vị này cần xây dựng phương án sắp xếp cấp xã theo mô hình tổ chức mới, đề xuất cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cấp xã.

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng định hướng việc sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, đồng thời giao nhiệm vụ đề xuất chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, quy định của Đảng có liên quan.
Các nội dung này sẽ được tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị trong quý III/2025.
Hiện nay, Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố, bao gồm 57 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tính đến ngày 30/6/2024, cả nước có 705 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 523 huyện, 46 quận, 51 thị xã, 84 thành phố thuộc tỉnh và một thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương).
Cùng với đó, cả nước có 10.595 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 8.192 xã, 1.784 phường, 619 thị trấn).
Theo Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiêu chuẩn để xác định đơn vị hành chính cấp tỉnh dựa trên quy mô dân số, diện tích tự nhiên và số lượng đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc.
Cụ thể, đối với các tỉnh miền núi, vùng cao, dân số tối thiểu là 900.000 người và diện tích từ 8.000km2 trở lên.
Đối với các tỉnh thuộc khu vực khác, yêu cầu tối thiểu là 1,4 triệu dân và diện tích từ 5.000km2 trở lên. Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc phải từ 9 đơn vị trở lên, trong đó có ít nhất một thành phố hoặc thị xã.
Với thành phố trực thuộc Trung ương, các tiêu chuẩn bao gồm quy mô dân số từ 1 triệu người trở lên, diện tích từ 1.500km2 trở lên, có ít nhất 9 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc. Trong đó, tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc phải chiếm ít nhất 60% tổng số đơn vị hành chính cấp huyện, đồng thời có tối thiểu 2 quận.
Ngoài ra, khu vực dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương phải đạt tiêu chí đô thị loại đặc biệt hoặc loại I.
>> Sun Group muốn đầu tư 3 dự án lớn tại 'thành phố trong thành phố' đầu tiên của Việt Nam
Từ nay, 5 hình thức sắp xếp lại, xử lý nhà đất này chính thức có hiệu lực
Từ năm 2025, có phải đổi sổ đỏ khi nhiều tỉnh thành sắp xếp đơn vị hành chính?