‘Ông lớn’ Nhật Bản đề xuất xây khu công nghiệp thứ hai tại tỉnh sát vách Hà Nội sẽ lên TP trực thuộc Trung ương
Trước đó, dự án đầu tiên của tập đoàn được triển khai từ năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ.
Theo Báo Vĩnh Phúc, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có buổi làm việc với Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc về tình hình triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc được triển khai từ năm 2015 tại hai xã Thiện Kế và Tam Hợp, huyện Bình Xuyên.
Dự án do Tập đoàn Sumitomo Corporation làm chủ đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 2.000 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất 213ha, trong đó có 170,4ha đất công nghiệp và 21,3ha dành cho cây xanh, mặt nước.
Hiện khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và thu hút 47 dự án đầu tư, bao gồm 37 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1 tỷ USD và 10 dự án DDI với tổng vốn đăng ký 200 triệu USD.

Tại buổi làm việc, ông Takashi Yanai - thành viên Ban điều hành Tập đoàn Sumitomo Corporation đề nghị UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về đầu tư cũng như tìm kiếm nguồn lao động chất lượng cao.
>> Sun Group muốn đầu tư 3 dự án lớn tại 'thành phố trong thành phố' đầu tiên của Việt Nam
Đại diện Tập đoàn Sumitomo Corporation cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục đầu tư, xây dựng hạ tầng cho khu công nghiệp thứ hai tại Vĩnh Phúc.
Trước đề xuất này, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhất trí về mặt chủ trương, đồng thời giao Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan để nghiên cứu, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm địa điểm phù hợp với quy hoạch của tỉnh, đảm bảo thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định.
Tỉnh Vĩnh Phúc nằm tại Đồng bằng sông Hồng, không chỉ là cửa ngõ Tây Bắc của Hà Nội mà còn là một trong 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối vùng Trung du miền núi phía Bắc với thủ đô Hà Nội. Tỉnh góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế và giao thương khu vực.
Theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với hệ thống hạ tầng hiện đại, xanh và sạch, mang bản sắc riêng.
Địa phương này hướng tới một xã hội phồn vinh và thịnh vượng, nơi người dân có chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc, và thành phố sẽ phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường.
Đà Nẵng khởi công khu công nghiệp hơn 6.200 tỷ, cách cảng biển lớn nhất miền Trung 10km
Khu công nghiệp gần 120ha tại TP đáng sống nhất Việt Nam đang tìm chủ đầu tư