Hệ thống giáo dục trực tuyến VioEdu của FPT IS là 1 trong 4 giải pháp của doanh nghiệp Việt Nam vừa giành giải thưởng kỹ thuật số ASEAN 2024.
Giải thưởng ASEAN Digital Awards 2024 vừa được trao ngày 1/2, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng kỹ thuật số ASEAN lần thứ 4 diễn ra tại Singapore.
ASEAN Digital Awards, trước đây có tên ASEAN ICT Awards – AICTA, là một trong những giải thưởng lớn và uy tín dành cho các phần mềm, giải pháp CNTT đến từ các quốc gia ASEAN. Giải thưởng được tổ chức thường niên từ năm 2012. Các đề cử được chấm và đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí khắt khe bởi Hội đồng giám khảo là lãnh đạo Bộ TT&TT đến từ 10 nước ASEAN.
Sau 1 năm tạm dừng tổ chức, giải thưởng kỹ thuật số ASEAN đã quay trở lại, thu hút sự tham gia số lượng lớn đề cử ở cả 6 hạng mục gồm khu vực công, khu vực tư nhân, bao trùm kỹ thuật số, đổi mới kỹ thuật số, nội dung số, khởi nghiệp kỹ thuật số.
Theo thông báo từ Ban tổ chức, trong 18 giải thưởng ở 6 hạng mục, các doanh nghiệp Việt Nam giành 4 giải ở 3 hạng mục bao trùm kỹ thuật số, đổi mới kỹ thuật số và nội dung số, gồm 1 giải Bạc của MobiFone ở hạng mục bao trùm kỹ thuật số với nền tảng nông nghiệp số mobiAgri; 1 giải Vàng hạng mục đổi mới kỹ thuật số của VinBrain với nền tảng hỗ trợ phát hiện và chẩn đoán ung thư gan DrAid.
>> Các hãng chip hàng đầu Trung Quốc trước nguy cơ lỗ kỷ lục
Đặc biệt, ở hạng mục nội dung số, giải pháp của doanh nghiệp Việt Nam giành 2/3 giải thưởng, với 1 giải Vàng trao cho ứng dụng “ICANKid - Chơi mà học” của Công ty Galaxy Play; 1 giải Bạc thuộc về hệ thống giáo dục trực tuyến VioEdu của FPT IS.
Là 1 trong 4 đề cử của Việt Nam giành quyền vào vòng chung kết tại Singapore ngày 31/1, hệ thống giáo dục trực tuyến VioEdu đã ghi điểm trước 13 giám khảo bởi các nội dung số chất lượng, với hơn 1 triệu học liệu, cách tiếp cận sáng tạo và năng lực hạ tầng mạnh có khả năng phục vụ hơn 200.000 người dùng truy cập đồng thời.
Bên cạnh đó, đội ngũ đã chứng minh được tính ứng dụng cao của sản phẩm thông qua các chỉ số ấn tượng về mức tăng trưởng và yêu thích của người dùng dù mới ra mắt cuối năm 2019. Ước tính trung bình cứ 3 học sinh Việt Nam thì có 1 học sinh biết đến và sử dụng VioEdu để tự học, và hàng chục nghìn trường học từ hơn 40 tỉnh thành tại Việt Nam tham gia sân chơi, sử dụng các học liệu và nền tảng của VioEdu để nâng cao chất lượng dạy, học.
ASEAN Digital Awards đề cao tính ứng dụng rộng rãi và bền vững của các sản phẩm số. Do đó, những giá trị thực tiễn mà người dùng VioEdu nhận được cũng như sự sẵn sàng của hạ tầng để mở rộng quy mô ra thị trường Đông Nam Á là điều được Hội đồng giám khảo đánh giá cao.
Nhờ việc xây dựng khung chủ điểm nội dung theo chuẩn kiến thức và kỹ năng của Bộ GD&ĐT một cách thông minh, học liệu trên VioEdu có thể dễ dàng được “tháo dỡ” và tuỳ chỉnh một cách nhanh chóng theo các yêu cầu khác nhau, phù hợp cho nhiều thị trường.
Năm 2023, VioEdu đã đưa tới người dùng quyền lựa chọn nội dung học theo các bộ sách giáo khoa hiện hành. Với năm 2024, theo đại diện VioEdu, hệ thống sẽ tiếp tục được ứng dụng AI vào sản phẩm, cho ra mắt những nội dung học tập mới, forum hỏi đáp mở và tính năng gia sư trực tuyến.
>> Microsoft ‘che đậy’ lỗ hổng AI, kỹ sư công nghệ gửi thư ‘cầu cứu’ Quốc hội Mỹ