Vĩ mô

Việt Nam - Pháp tập trung hợp tác quốc phòng, an ninh, giao thông

Trần Thường 12/10/2024 - 14:13

Chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mới đây đã đánh dấu sự phát triển mới trong quan hệ Việt Nam - Pháp. Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet vừa có những chia sẻ về chuyến thăm và định hướng hợp tác hai nước.

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Pháp đã thành công tốt đẹp. Đại sứ có thể cho biết chuyến thăm này đã mang lại những kết quả nổi bật như thế nào trong quan hệ hai nước?

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Pháp vừa qua là chuyến thăm hết sức quan trọng và đã diễn ra thành công. Sau 22 năm mới có một nguyên thủ Việt Nam tới thăm Pháp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng là lãnh đạo duy nhất có chuyến thăm song phương bên lề Hội nghị cấp cao Pháp ngữ.

Phía Pháp rất coi trọng chuyến thăm, trong đó có lễ đón tiếp chính thức, họp báo và hội đàm do Tổng thống Pháp chủ trì.

IMG_F2E71E6F41F6 1.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Minh Nhật

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đến thăm công viên Montreau (thành phố Montreuil) - nơi có tượng và khu tưởng niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn cũng đến thăm thành phố Sainte-Adresse để khánh thành biển kỷ niệm mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - đây là nơi Người từng sống trong vòng 1 năm.

Hành trình về những địa danh này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho thấy yếu tố lịch sử, sự đặc thù trong quan hệ Pháp và Việt Nam. Hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh có những dấu ấn lịch sử tại Pháp và Pháp cũng có những ảnh hưởng về ngôn ngữ, về văn hóa với Việt Nam.

Điều tôi hết sức ấn tượng trong các cuộc tiếp xúc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với lãnh đạo cấp cao của Pháp đó là hai bên đã thể hiện sự tin cậy, tin tưởng lẫn nhau và mong muốn cùng hợp tác hướng đến tương lai.

Qua đó, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện.

Pháp là quốc gia châu Âu đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Việt Nam. Điều này thể hiện như thế nào vị thế của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Pháp?

Pháp có chính sách đối ngoại mang tính toàn cầu. Pháp là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, có vai trò quan trọng trong Liên minh châu Âu. Vì vậy, Pháp tham gia rất tích cực vào các chính sách toàn cầu để góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định thế giới.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ tán thành với những ý kiến mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mới đây phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ nhiều quan điểm tương đồng.

Việc nâng cấp mối quan hệ song phương cũng thể hiện sự nhất trí và mong muốn hợp tác giữa hai bên.

IMG_CFC74A1FFA3D 1.jpg
Hai nguyên thủ chủ trì họp báo thông báo về định hướng hợp tác. Ảnh: Minh Nhật

Hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN. Pháp sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam và ASEAN, góp phần duy trì hòa bình, hợp tác tại khu vực và trên thế giới.

Việt Nam có vai trò quan trọng trong ASEAN không chỉ bởi diện tích, dân số, sự năng động của nền kinh tế, mà còn là một trong những quốc gia hiểu rõ nhất về giá trị của hòa bình và sự cần thiết phải bảo đảm hòa bình, ổn định.

Pháp và Việt Nam luôn nỗ lực để bảo vệ hòa bình trong khu vực và trên thế giới. Đó chính là nền tảng để hai nước tăng cường hợp tác với nhau.

Pháp đánh giá cao quan điểm của Việt Nam về chấm dứt bạo lực, giảm leo thang căng thẳng và kêu gọi các bên giải quyết xung đột ở Ukraine, Trung Đông… bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế.

Phía Pháp mong muốn Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò trong bảo đảm hòa bình, ổn định trên thế giới.

Việt Nam là nhân tố quan trọng trong Cộng đồng Pháp ngữ. Pháp đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam tại các cơ quan của Pháp ngữ. Nhờ những nỗ lực của Việt Nam mà phong trào Pháp ngữ phát triển mạnh mẽ tại khu vực châu Á.

IMG_8E722AA08F81 1.jpg
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet trả lời phỏng vấn.

Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong đẩy mạnh quan hệ với Cộng đồng Pháp ngữ.

Tổng thống Pháp cũng thông báo việc Pháp sẽ đăng cai Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về trí tuệ nhân tạo và Hội nghị về đại dương của Liên Hợp Quốc vào năm sau; trong đó mời lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự và đóng góp vào các hội nghị.

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra trong khuôn khổ chuyến thăm vừa qua, hai bên sẽ thực hiện như thế nào?

Để triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, hai nhà lãnh đạo đã giao Bộ Ngoại giao hai nước chuẩn bị kế hoạch hành động, đề ra định hướng trong quan hệ song phương và đa phương.

Một trong những lĩnh vực quan trọng mà hai nước tập trung thời gian tới là hợp tác quốc phòng, an ninh; tiếp đó là giao thông, năng lượng, đổi mới sáng tạo, giáo dục...

Về giáo dục đào tạo, Pháp luôn coi giáo dục và đào tạo là mục tiêu ưu tiên trong hợp tác tại Việt Nam, tập trung vào việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực.

Các trường đại học và cơ sở nghiên cứu của hai nước sau nhiều năm đã có được quan hệ tốt đẹp. Ví dụ điển hình là Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội - ngôi trường đã trở thành hình mẫu để Pháp triển khai dự án hợp tác giáo dục với các nước khác.

Nhiều doanh nghiệp của Pháp cũng có sự hợp tác trong lĩnh vực này, sau quá trình đào tạo các doanh nghiệp đã tuyển dụng sinh viên Việt Nam.

Trong đổi mới sáng tạo, nhiều đối tác Pháp đã liên hệ hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam, góp phần tạo kết nối mạnh mẽ giữa các khu công nghệ cao của Việt Nam. Phía Pháp cũng quan tâm nhiều đến các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam.

Pháp mong muốn hợp tác với Việt Nam trong giao thông. Đây là lĩnh vực Việt Nam đang có tiềm năng và nhu cầu phát triển mạnh mẽ, trong đó có đường sắt, cảng biển.

Pháp có thể chia sẻ về vốn và kỹ năng để góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. Tôi xin nhấn mạnh, Pháp không chỉ mong muốn phát triển những con số về tài chính mà còn xoay quanh cả những yếu tố đi kèm như đào tạo nhân sự, chuyển giao công nghệ. Pháp sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam trong kinh tế, năng lượng, nông nghiệp…

Việt Nam có cam kết mạnh mẽ về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Pháp có công nghệ và nhiều doanh nghiệp lớn có thể đồng hành, chia sẻ với Việt Nam trong quá trình phát triển. Việc hai nước nâng cấp quan hệ sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp Pháp hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư.

Lĩnh vực y tế có thể coi là điểm sáng trong quan hệ hai nước 30 năm qua thông qua nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu, đầu tư. Pháp mong muốn sự hợp tác này phát triển đột phá hơn để đáp ứng nhu cầu của người dân Việt Nam thích nghi với những biến đổi, phát triển của xã hội.

Nông nghiệp cũng là lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác, Việt Nam có mong muốn thúc đẩy hợp tác, mong muốn Pháp chia sẻ công nghệ để giúp Việt Nam có nền nông nghiệp sinh thái, tăng được giá trị sản phẩm nông nghiệp...

>>Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Tuyên bố chung Việt-Pháp về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện

Việt - Pháp hợp tác đào tạo những công dân toàn cầu cho nền công vụ hiện đại

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/viet-nam-phap-tap-trung-hop-tac-quoc-phong-an-ninh-giao-thong-2331209.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Việt Nam - Pháp tập trung hợp tác quốc phòng, an ninh, giao thông
    POWERED BY ONECMS & INTECH