Công nghệ

Việt Nam sắp có gói cước Internet 10 Gbps cho hộ gia đình?

Du Lam 03/10/2024 16:40

Thiết bị cung cấp Internet cáp quang thế hệ mới kết hợp nền tảng công nghệ XGSPON và Wi-Fi 7 có thể cung cấp tốc độ 10 Gbps đến các hộ gia đình.

Thử nghiệm tốc độ truyền dữ liệu thực tế vừa được VNPT phối hợp với Qualcomm tại Hà Nội sáng ngày 3/10. Với công nghệ XGSPON Wi-Fi 7, laptop và điện thoại thông minh có thể đạt tốc độ kết nối gấp 3 lần so với việc truy cập Internet không dây với mạng GPON.

Theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường Omdia, khoảng 32% thuê bao băng rộng toàn cầu sẽ chuyển sang sử dụng nền tảng XGSPON đến năm 2027.

W-9900c1c3a08619d84097.jpg
Thử nghiệm truy cập Internet thông qua Wi-Fi 7 trên 3 thiết bị khác nhau. Ảnh: Du Lam

XGSPON cung cấp tốc độ truy nhập Internet cao, lên đến 10 Gbps và dự kiến bùng nổ vào khoảng năm 2027 – 2028, với tốc độ lên tới 50 Gbps để đáp ứng các mục đích sử dụng khác nhau trong mọi lĩnh vực.

Trong khi đó, thế giới cũng đang chuyển đổi dần từ kết nối không dây Wi-Fi 5 lên Wi-Fi 6 và Wi-Fi 7. So với Wi-Fi 5, Wi-Fi 6 vượt trội cả về tốc độ, số lượng người dùng truy cập đồng thời, độ trễ, vùng phủ, tối ưu điện năng và bảo mật.

Sự ra đời của các ứng dụng mới như streaming video 4K, chơi game trên metaverse đòi hỏi các nhà mạng thay đổi, cải thiện dịch vụ và tối ưu hóa việc sử dụng mạng lưới để thu hút khách hàng.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra là thị trường băng rộng cố định và di động toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đang dần bão hòa.

Theo thống kê của VNPT, Việt Nam hiện có khoảng 25-27 triệu hộ gia đình sử dụng băng rộng cố định. Do cạnh tranh về giá, doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (ARPU) ở mức thấp so với thế giới.

Để kích thích khách hàng tiêu dùng nhiều hơn, cần nâng cao trải nghiệm trong các mục đích sử dụng khác nhau.

Ông Patrick Chiang, Giám đốc cấp cao của Qualcomm, chỉ ra bước tiến quan trọng nhất của công nghệ mạng chính là hiệu suất cao và độ trễ thấp. Từ dữ liệu mà công ty thu thập được, các ứng dụng đang thống trị việc sử dụng dữ liệu, tiếp đó là game.

Đồng thời, số lượng các thiết bị kết nối mạng tại gia đình không ngừng tăng lên. Kết hợp hai xu hướng này, cần có công nghệ mạng Internet tại nhà mới, cũng như kết hợp các công nghệ XGSPON và Wi-Fi 7 để tối ưu việc truy cập băng rộng đến từng ngóc ngách.

Theo một đại diện lãnh đạo của VNPT, thiết bị cung cấp Internet cáp quang thế hệ mới tại gia, kết hợp XGSPON và Wi-Fi 7, cung cấp tốc độ lên tới 10 Gbps đến tận nhà khách hàng, gấp khoảng 4 lần công nghệ quang cũ.

Nếu kết hợp cả ba băng tần, thiết bị có thể mang đến tốc độ tối đa 22 Gbps. So với Wi-Fi 6, Wi-Fi 7 giảm 75% độ trễ và hỗ trợ 1.500 người truy cập cùng lúc.

Thử nghiệm thực tế tại Hà Nội sáng ngày 3/10, với công nghệ XGSPON Wi-Fi 7, laptop và điện thoại có thể đạt tốc độ gấp 3 lần so với việc truy cập Internet không dây với mạng GPON.

Với cùng một game, Wi-Fi 7 cho độ trễ khoảng 20ms, còn Wi-Fi 6 khoảng 120-200ms, giúp người chơi tương tác với nhân vật trong game gần như ngay lập tức.

Đặc biệt, thiết bị có khả năng tích hợp nhanh chóng với các hệ sinh thái nhà thông minh và các thiết bị Wi-Fi hiện có. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á – Thái Bình Dương phát triển sản phẩm kết hợp công nghệ XGSPON Wi-Fi 7 của Qualcomm.

Đây là bước tiến đột phá trong sản xuất thiết bị đầu cuối viễn thông, đáp ứng xu thế chuyển đổi số, cũng như góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới thông qua hợp tác quốc tế.

“Với các khả năng tiên tiến của Wi-Fi 7, khách hàng tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ tốc độ nhanh hơn, độ trễ thấp hơn và độ tin cậy mạng được nâng cao, thiết lập một tiêu chuẩn mới cho kết nối", đại diện Qualcomm cho biết.

Năm 2024: Người Việt online chủ yếu để lướt mạng xã hội

Quy định mới về các trường hợp có thể bị thu hồi tên miền '.vn'

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/viet-nam-sap-co-goi-cuoc-internet-10-gbps-tich-hop-wi-fi-7-2328423.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Việt Nam sắp có gói cước Internet 10 Gbps cho hộ gia đình?
    POWERED BY ONECMS & INTECH