Việt Nam sắp có thêm đô thị cửa khẩu quốc tế, tọa lạc tại tỉnh có diện tích lớn nhất Tây Nam Bộ
Theo đồ án quy hoạch, TP. Hà Tiên sẽ là đô thị cửa khẩu quốc tế, văn hóa, hành chính, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo và du lịch ven biển...
Theo như đồ án Quy hoạch chung thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào hồi tháng 3/2024, TP. Hà Tiên sẽ trở thành đô thị cửa khẩu quốc tế, văn hóa, hành chính, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo và du lịch ven biển; đô thị có truyền thống lịch sử, di sản văn hóa và di sản thiên nhiên đa dạng về hệ sinh thái.
Đồng thời, nơi đây có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia và là một cực tăng trưởng phía Tây của tỉnh Kiên Giang, đô thị trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phạm vi nghiên cứu là 34.800ha bao gồm toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính TP. Hà Tiên khoảng 10.049ha, gồm 5 phường là Bình San, Đông Hồ, Pháo Đài, Tô Châu, Mỹ Đức, 2 xã Thuận Yên và xã đảo Tiên Hải và phần diện tích khoảng 24.751ha mặt biển nằm giữa xã đảo Tiên Hải và các xã, phường thuộc phần đất liền của TP. Hà Tiên để nghiên cứu định hướng lấn biển, xây dựng đảo nhân tạo.
Vị trí quy hoạch được xác định cụ thể phía Đông giáp huyện Giang Thành, phía Tây giáp vịnh Thái Lan, phía Nam giáp huyện Kiên Lương, phía Bắc giáp với Vương quốc Campuchia.
>> Việt Nam sắp có hầm vượt sông nối 2 tỉnh, thành phố giàu có bậc nhất của cả nước
Một góc tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Internet |
Theo TTXVN, đồ án quy hoạch xác định phát triển TP. Hà Tiên gắn với 3 nhóm chiến lược gồm: Các chiến lược phát triển tổng quan; các chiến lược phát triển đô thị và kinh tế cốt lõi; các chiến lược phát triển nền tảng.
Theo đồ án quy hoạch, định hướng phát triển không gian của thành phố Hà Tiên được xây dựng theo mô hình đô thị di sản, lưỡng cực, nhất thể, đa trung tâm và được chia thành 8 khu vực phát triển chính. Các khu vực bao gồm:
Đô thị truyền thống, tập trung phát triển du lịch di sản, văn hóa, lịch sử và tham quan các danh lam thắng cảnh.
Đô thị cửa khẩu, gắn với logistics, du lịch nghỉ dưỡng quá cảnh, mua sắm và phát triển du lịch sinh thái ngập nước.
Đô thị du lịch cộng đồng, kết hợp công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.
Đô thị chuyên đề, hướng tới du lịch khám phá, sinh thái biển, đồng thời phát triển cảng và sân bay chuyên dụng phục vụ du lịch cũng như giao thông đô thị, kết nối với Phú Quốc và các khu vực lân cận.
Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và hạ tầng kỹ thuật của các khu vực này được thiết kế đồng bộ, phù hợp với định hướng phát triển chung.
Một góc TP. Hà Tiên. Ảnh: Internet |
Đồ án cũng đặc biệt chú trọng việc tổ chức không gian, sử dụng đất và kiến trúc cảnh quan theo đặc trưng từng khu vực. Các yếu tố về bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại và bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo đều được tính toán kỹ lưỡng.
Vào ngày 15/3, tại TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đã công bố Quyết định số 189/QĐ-TTg ngày 22/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt đồ án Quy hoạch chung thành phố Hà Tiên và Khu kinh tế cửa khẩu đến năm 2040.
Theo định hướng, Hà Tiên sẽ phát triển thành một đô thị trọng điểm, trung tâm kinh tế và thương mại biên giới, tập trung vào các dịch vụ du lịch, văn hóa và di sản gắn liền với khu kinh tế cửa khẩu. Thành phố cũng được xác định là trung tâm văn hóa, lưu giữ giá trị lịch sử quan trọng, đồng thời đóng vai trò chiến lược về quốc phòng và an ninh.
Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Ảnh: Internet |
Cùng với TP. Rạch Giá và TP. Phú Quốc, TP. Hà Tiên sẽ tạo thành tam giác phát triển chủ lực của tỉnh Kiên Giang, tập trung vào kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển.
Đồ án Quy hoạch chung không chỉ hoàn thiện bức tranh tổng thể về các đô thị trọng điểm của tỉnh mà còn định hướng tầm nhìn phát triển không gian hướng biển. Tầm nhìn này nhằm khai thác tối đa tiềm năng kinh tế biển, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quy hoạch này mang lại cơ hội lớn để quảng bá các giá trị bền vững của Hà Tiên, nâng cao sức hút đầu tư và phát triển các dự án gắn liền với kinh tế biển và di sản.
Trước đó, ngày 5/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21/2020/QĐ-TTg về việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, trở thành khu kinh tế thứ hai của tỉnh Kiên Giang. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp các dự án đầu tư tại Hà Tiên được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất, qua đó tạo điều kiện thu hút đầu tư mạnh mẽ vào khu vực.
Với chiều dài đường bờ biển khoảng 200km và vùng biển rộng hơn 63.000km2, Kiên Giang là điểm cuối của đường bờ biển Việt Nam. Theo đó, đường bờ biển của Việt Nam bắt đầu tại cảng Núi Đỏ (TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) và kết thúc tại cửa khẩu Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang).
Phần lớn diện tích Kiên Giang ngày nay bao gồm thành phần Rạch Giá và toàn bộ tỉnh Hà Tiên cũ. Đây là tỉnh có diện tích lớn nhất vùng Tây Nam Bộ và lớn thứ 2 ở Nam Bộ (sau tỉnh Bình Phước).
>> Siêu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ 5,5 tỷ USD có tin vui
Cảng cá trăm tỷ từ nguồn tiền bồi thường của Formosa đã hoàn thành khoảng 90%
Liên danh Đèo Cả thực hiện gói thầu hơn 3.800 tỷ thuộc dự án cầu dây văng lớn thứ hai Việt Nam