Pháp lý tài sản số: Lợi ích, thách thức và kinh nghiệm cho Việt Nam
Việc có một khuôn khổ pháp lý cộng với lực lượng lao động trẻ và đam mê giới trẻ, Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm tài sản số của khu vực, đây là dự báo được Chủ tịch SSI đưa ra tại VTIS 2024.
VTIS 2024 sẽ bàn về 4 chủ đề lớn là AI, Fintech, Blockchain và Game |
Thiếu vắng cơ sở pháp lý đã khiến thị trường tài sản số tại Việt Nam chưa thể phát triển lành mạnh, minh bạch, an toàn và tương xứng với tiềm năng của một quốc gia có nhiều điều kiện để phát triển công nghệ. Những bên liên quan chưa có vùng đất để có thể sử dụng nguồn lực chính thức nhằm thúc đẩy thị trường tài sản số.
Tại Hội nghị Tác động Công nghệ Việt Nam 2024 (Vietnam Tech Impact Summit 2024 – VTIS 2024) khai mạc ngày 3/12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, các diễn giả từ Chứng khoán SSI, Binance, OKX và Bybit đã tham gia phiên thảo luận với chủ đề “Pháp lý của tài sản số: Lợi ích, thách thức và kinh nghiệm toàn cầu”.
Phiên thảo luận được điều phối bởi ông Lê Bảo Nguyên, Phó Giám đốc SSI Digital (SSID). Ông Nguyên có nhiều năm kinh nghiệm tham gia thị trường tài sản số và có uy tín trong cộng đồng đông đảo nhà đầu tư.
Trước tiên khi nói về tiềm năng của thị trường tài sản số, xuất phát từ đặc điểm thị trường Việt Nam, bà Lê Thị Lệ Hằng, Giám đốc Chiến lược CTCP Chứng khoán SSI chỉ ra rằng, Việt Nam đang là một thị trường tiềm năng, đặc biệt khi tỷ lệ tiếp cận Internet của Việt Nam là hơn 75%, với hơn 100 triệu dân, số lượng người dùng điện thoại lớn và công nghệ phát triển đang nâng cao khả năng tiếp cận tài chính..
Với sự ra đời của thị trường tài sản kỹ thuật số, Giám đốc Chiến lược SSI dự báo, khả năng tiếp cận sẽ tăng hơn nữa, cụ thể ở nhóm người dân chưa bao giờ thực sự có tài khoản ngân hàng, chưa bắt đầu sử dụng dịch vụ ngân hàng trên ứng dụng điện thoại hay thực sự sử dụng ứng dụng để thực hiện một giao dịch.
Từ nền tảng như hiện tại, Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển thị trường tài sản số. Nhưng như vừa nêu trên, pháp lý đang là điểm nghẽn.
Chia sẻ tại phần thảo luận, các diễn giả đều thừa nhận rằng việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tài sản số ở mỗi quốc gia là cần thiết. Ông Malcolm Wright, Phó giám đốc Tuân thủ Sàn giao dịch OKX nói về lợi ích, việc hoàn thiện pháp lý sẽ hỗ trợ toàn bộ những thực thể trong hệ sinh thái blockchain phát triển đúng hướng, bổ sung nguồn thu thuế cho quốc gia và hỗ trợ nhu cầu đầu tư trong nước.
“Bởi vì các công ty muốn đến Việt Nam và đầu tư vào các công viên và trung tâm công nghệ, nên pháp lý có tác động tích cực bằng cách cung cấp những “đường ray” để quản lý và vận hành tốt”, đại diện OKX nói.
Đồng tình với ý kiến trên, để làm rõ thêm về cơ hội cũng như kinh nghiệm xây dựng pháp lý, bài học cho Việt Nam, Phó Giám đốc SSID – ông Lê Bảo Nguyên đã đặt câu hỏi cho bà Joy Lam, Trưởng bộ phận Pháp lý toàn cầu và pháp chế APAC (Head of Global Regulatory and APAC Legal) của Binance. Bà Joy Lam là người có nhiều kinh nghiệm trong việc hoàn thiện giấy phép cho tài sản số tại nhiều quốc gia trên thế giới.
VTIS 2024 mang đến phiên thảo luận với chủ đề “Pháp lý của tài sản số: Lợi ích, thách thức và kinh nghiệm toàn cầu” với sự chia sẻ từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài sản số |
Theo bà Joy Lam, các quốc gia ban hành khuôn khổ pháp lý và đưa vào sử dụng toàn diện hơn. Đây là chìa khóa để đảm bảo rằng Binance được bảo vệ một cách hợp pháp, các tài sản kỹ thuật số tiếp tục được thừa nhận. Do đó, tổ chức này sẽ có cách để bảo vệ người dùng và khuyến khích phát triển rộng rãi hơn.
Lấy ví dụ điển hình, hai quốc gia là Singapore và UAE xây dựng khuôn khổ pháp lý rất toàn diện, quy định rất rõ ràng về những gì bị ngăn cấm. “Tôi nghĩ rằng ở UAE, họ đã làm rất tốt trong vài năm qua khi định vị cơ quan quản lý tự do, tiến bộ và đầy triển vọng. Vì vậy, họ đã thực hiện nhiều bước tiến hơn và thu hút đầu tư”, bà Lam nói.
Xuất phát từ theo dõi việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tài sản số từ Singapore, UAE và châu Âu, bà Joy Lam đánh giá, cơ quan quản lý các quốc gia khác nhau có một định hướng phát triển, quan điểm khác nhau. Song, cần tương tác với nhau để “bất kỳ ai di chuyển cũng theo cùng một hướng”.
Theo đại diện từ Binance, trong một bối cảnh rất phức tạp, kinh nghiệm cho cơ quan quản lý Việt Nam là nên nhìn vào những bài học trước đó. Một việc chắc chắn và quan trọng là cơ quan quản lý cần tham gia một cách cởi mở và thường xuyên vào lĩnh vực tài sản số, các nhà làm luật phải đi sát với thị trường, có tầm nhìn dài hơn về sự phát triển. Đây là cách tiếp cận khó cho nhà quản lý để theo kịp những gì đang xảy ra, ngay cả với người tham gia trực tiếp ngành như bà Lam.
Nói thêm về bài học, theo bà Joy Lam, nhà quản lý cần phải cố gắng và có quan điểm cân bằng giữa việc bảo vệ người dùng, nhưng vẫn thúc đẩy sự đổi mới và cho phép thị trường tài sản số hoạt động.
Tuy vậy, theo diễn giả tham gia thảo luận, việc phát triển pháp lý cho tài sản số đôi khi cũng gặp phải những thách thức. Ví dụ, một số cơ quan quản lý đã hành động nhanh chóng theo cách toàn diện nhưng sau đó khi thị trường phát triển, họ phải nhìn nhận lại để phát triển thêm một bước mới, thậm chí chấp nhận đảo ngược một số thứ. Đây chính là bài học cho các quốc gia.
Nói về rủi ro pháp lý, diễn giả tham gia phiên thảo luận cho rằng không quá lớn. Khi cân nhắc, những lợi ích vẫn là lớn hơn khi rủi ro từ việc không hợp pháp hóa tài sản số, chưa ban hành cơ sở pháp lý sẽ thiếu vắng điều kiện để bảo vệ người dùng. Pháp lý là quan trọng, như một lớp bảo vệ người dùng có thể mua, bán, giao dịch hay làm bất cứ điều gì mà họ muốn nhưng theo cách bảo vệ thị trường.
Cùng với thách thức xuất phát từ việc phát triển không ngừng của thị trường tài sản số, các diễn giả tham gia còn thảo luận về khía cạnh tác động lên những sản phẩm tài chính truyền thống. Nói về điều này, ông Robert Mcdonald – Giám đốc Pháp lý của sàn Bybit cho rằng thị trường tài sản số đã phát triển mạnh trong những năm qua và sự tích hợp với những sản phẩm khác ngày càng gia tăng. Trong xu hướng hiện nay, những sản phẩm tài chính truyền thống và mới có thể bổ trợ để tạo thành một khối tài sản.
Lấy ví dụ từ Indonesia, những người nông dân nhờ sử dụng blockchain và tài sản số đã kiếm được nhiều tiền hơn, điều này đã hỗ trợ hoạt động của các ngân hàng như một phần then chốt.
Bà Lê Thị Lệ Hằng – Giám đốc Chiến lược CTCP Chứng khoán SSI; “Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển thị trường tài sản số” |
Còn từ góc nhìn của một tổ chức xuất phát từ mô hình truyền thống, Giám đốc Chiến lược SSI – Bà Lê Thị Lệ Hằng cho rằng mọi thứ chỉ được xem là thách thức nếu như điều chỉnh phần lớn đến chiến lược kinh doanh cũng như sản phẩm của tổ chức cung cấp tới khách hàng.
Về tổng quan, bà Hằng đánh giá, thách thức nhỏ so với các cơ hội lớn phía trước. Sẽ có rất nhiều sản phẩm cải tiến mới, sản phẩm tích hợp để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Thậm chí các dịch vụ tài chính sẽ hoạt động tích cực hơn theo thời gian để tích hợp thói quen sản phẩm mới vào hệ thống của SSI nhằm phục vụ khách hàng có nhu cầu và mong muốn đa dạng hóa tài sản của họ.
Nhấn mạnh thêm, CSO của SSI cho rằng, lợi ích không chỉ đến với những cá nhân hay bất kỳ tổ chức nào mà thị trường tài sản số còn đem đến những lợi ích quốc gia. Việt Nam có thể tận dụng lợi thế thuế từ hoạt động giao dịch tài sản số thông qua việc đưa các nền tảng tài chính vào hệ thống thuế quốc gia. Điều này có thể mang lại nguồn thu ngân sách quốc gia mới và giúp tăng cường tài chính quốc gia.
Về mặt an sinh xã hội, điều này sẽ ngăn chặn tình trạng “chảy máu chất xám”. Để đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành công nghệ blockchain, Việt Nam cần tạo điều kiện để các chuyên gia trong lĩnh vực này không phải rời bỏ quê hương để tìm kiếm cơ hội. Môi trường sandbox cho phép lực lượng làm công nghệ tận dụng tài năng và kỹ năng của mình trong môi trường đất nước mình.
Xa hơn, điều này giúp hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam là quốc gia blockchain vào năm 2030 theo chiến lược của Chính phủ. Việc tạo ra môi trường thuận lợi cho các nền tảng tài chính số giúp các công ty công nghệ tại Việt Nam có thể tập trung vào phát triển các ứng dụng blockchain và dịch vụ kỹ thuật hỗ trợ. Điều này giúp giữ lại kiến thức và tài năng trong nước và giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.
Hội nghị Tác động Công nghệ Việt Nam 2024 (Vietnam Tech Impact Summit 2024 - VTIS) diễn ra trong hai ngày 3 – 4/12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia do hai doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ và tài chính chứng khoán là Tập đoàn FPT và CTCP Chứng khoán SSI điều hành sự kiện.
Xoay quanh 4 chủ đề chính là Fintech, AI, Blockchain và Game, VTIS 2024 có sự góp mặt của đại diện hơn 500 doanh nghiệp đến từ hơn 15 quốc gia, vùng lãnh thổ, với sự tham gia của 20.000 người tham dự.
>> Vietnam Tech Impact Summit 2024: Toàn cảnh tương lai ngành công nghệ và tài chính