Tuyến cáp quang biển VTS sẽ kết nối Việt Nam với Singapore, góp phần nâng tổng dung lượng kết nối quốc tế của Việt Nam.
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa ký kết biên bản ghi nhớ với Singtel về việc hợp tác triển khai tuyến cáp biển Vietnam - Singapore Cable System (VTS), kết nối trực tiếp Việt Nam và Singapore.
Theo thỏa thuận, hai bên dự kiến sẽ triển khai xây dựng tuyến cáp biển kết nối trục chính Việt Nam - Singapore (tuyến cáp VTS) với cấu hình 8 cặp sợi (8FP), sử dụng công nghệ ghép bước sóng hiện đại nhất hiện nay.
Trạm cập bờ của trục chính là Việt Nam (do Viettel quản lý) và Singapore (do Singtel quản lý). Ngoài ra, tuyến cáp dự kiến có các nhánh cập bờ tại Campuchia, Thái Lan, Malaysia. Thời gian dự kiến tuyến cáp đưa vào khai thác trong quý II/2027.
Khi đưa vào vận hành khai thác, tuyến cáp sẽ bổ sung hàng trăm Tbps vào tổng dung lượng kết nối quốc tế của Việt Nam, mở ra hướng kết nối mới xuống phía Nam. Việc có thêm tuyến quang biển kết nối với Singapore sẽ góp phần nâng cao tính dự phòng, an toàn mạng lưới cho hạ tầng kết nối quốc tế của Việt Nam.
Trước đó, Viettel đã công bố đầu tư tuyến cáp Asia Direct Cable (ADC). Đây là tuyến cáp có băng thông lớn nhất Việt Nam, kết nối đến cả 3 Hub IP lớn nhất của khu vực châu Á (Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Singapore), trạm cập bờ tại Quy Nhơn.
Viettel cũng đang là nhà đầu tư Việt Nam lớn nhất của tuyến cáp biển The Asia Link Cable (ALC) kết nối đến 2 Hub IP chính của khu vực châu Á (Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore), trạm cập bờ dự kiến tại Đà Nẵng.
Hiện các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đang tham gia khai thác 5 tuyến cáp quang biển quốc tế gồm Asia America Gateway (AAG), APG (Asia Pacific Gateway), SMW3 (còn gọi là SEA - ME - WE3), Intra Asia (IA, còn gọi là Liên Á) và Asia - Africa - Euro 1 (AAE-1).
Theo định hướng của Bộ TT&TT, dự kiến đến năm 2025, Việt Nam sẽ phát triển thêm 4 - 6 tuyến cáp quang biển quốc tế. Việc đi vào hoạt động của các tuyến cáp quang biển mới sẽ góp phần hiện thực hóa chủ trương, bổ sung thêm dung lượng nhằm giải quyết nhu cầu kết nối Internet trong nước đi quốc tế.