Nhịp sống

Việt Nam sẽ có thể có 2 triệu trẻ em thừa cân, béo phì năm 2030, vượt tỷ lệ trung bình của cả Đông Nam Á

Linh Chi 26/07/2024 10:39

Các chuyên gia y tế bàn về nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó đáng chú ý phải kể đến tình trạng trẻ em thừa cân, béo phì.

Ngày 24/7, Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo Cung cấp bằng chứng về tác hại của thuốc lá, đồ uống có đường và các giải pháp giảm tác hại, đặc biệt là chính sách thuế. Tại hội thảo, các chuyên gia y tế bàn về nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó đáng chú ý phải kể đến tình trạng trẻ em thừa cân, béo phì.

5 năm tới, Việt Nam có 2 triệu trẻ em béo phì, thừa cân

Chuyên gia dinh dưỡng của UNICEF Việt Nam cho biết thừa cân, béo phì ở trẻ em là tình trạng đáng báo động. Hiện nay, thế giới có khoảng 390 triệu trẻ em và thanh thiếu niên bị thừa cân hoặc béo phì.

Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở nhóm trẻ 5 - 19 tuổi tăng từ 8,5% (năm 2010) lên 19% (năm 2020), trong đó ở khu vực thành thị 26,8%. Con số này cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ trung bình của khu vực Đông Nam Á (17,3%). Các quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình ở Đông Nam Á có tỉ lệ như Campuchia 13,4%, Lào 16,6%, Myanmar 14,1 %, Philippines 14,5% và 18% tại Indonesia.

thuacanbeophi2

Việc thừa cân, béo phì không chỉ khiến nhiều người tự ti về ngoại hình mà còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh như tiểu đường, tim mạch, ung thư... Nếu không can thiệp kịp thời, đến năm 2030, Việt Nam có gần 2 triệu trẻ em trong độ tuổi 5 - 19 bị thừa cân, béo phì.

Giải pháp để chống thừa cân, béo phì

Một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em bị thừa cân, béo phì là do tiêu thụ nhiều đồ uống có đường. Theo chuyên gia y tế, một phần 330ml hoặc 12oz đồ uống có đường, có gas thường chứa khoảng 35gram đường, tương đương 140kcal năng lượng nhưng cung cấp rất ít giá trị dinh dưỡng khác.

Vì thế, việc uống đồ uống có đường thường xuyên ảnh hưởng lớn đến sức khỏe như gây thừa cân, béo phì, làm tăng phản ứng kích hoạt của não với các tín hiệu về sự ngon miệng, kích thích ăn…

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lượng đường tự do trong khẩu phần của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để tốt hơn cho sức khỏe, tương đương dưới 25 - 50 gram đường tự do mỗi ngày với người lớn và dưới 12 - 25 gram đường mỗi ngày với trẻ em.

Đặc biệt, đối với trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ đồ uống hoặc thực phẩm nào có thêm đường.

thuacanbeophi

Nhằm ngăn chặn tình trạng thừa cân, béo phì, các chuyên gia khuyên nên hạn chế sử dụng thực phẩm, đồ uống không lành mạnh; có quy định về ghi nhãn dinh dưỡng đối với sản phẩm đóng gói sẵn; hạn chế quảng cáo đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe; áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.

Ngoài ra, mọi người nên sử dụng nước lọc, nước đóng chai, trà không đường thay cho các đồ uống có đường khác. Đồng thời, hạn chế sử dụng các thực phẩm có nhiều đường, bánh kẹo ngọt...

Khi nấu nướng, người nội trợ cần hạn chế lượng đường cho vào thức ăn.

Với những đồ uống như trà, cà phê... không nên thêm đường.

Đặc biệt, nên ăn trái cây tươi ít ngọt thay cho đồ ăn vặt có đường hay trái cây sấy khô, sấy dẻo.

Với các sản phẩm đóng gói sẵn, mọi người cần đọc kỹ dinh dưỡng để nắm rõ thành phần, lượng đường; không thêm đường vào thức ăn, đồ uống của trẻ nhỏ.

>>Loại gia vị là ‘độc trắng’ khiến làn da già đi nhanh chóng, tăng nguy cơ huyết áp cao và béo phì

Loại lá mọc dại ở Việt Nam nhưng lại là ‘khắc tinh’ của bệnh tiểu đường, chống béo phì và bảo vệ tim mạch hiệu quả

Nghiên cứu đột phá: Thừa cân, béo phì trở thành nguy cơ hàng đầu gây ra nhiều bệnh ung thư hơn!

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/viet-nam-se-co-the-co-2-trieu-tre-em-thua-can-beo-phi-nam-2030-vuot-ty-le-trung-binh-cua-ca-dong-nam-a-d128669.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Việt Nam sẽ có thể có 2 triệu trẻ em thừa cân, béo phì năm 2030, vượt tỷ lệ trung bình của cả Đông Nam Á
    POWERED BY ONECMS & INTECH