Việt Nam sẽ có tuyến 'tàu điện dát vàng' nối 2 thành phố du lịch nổi tiếng?
Tuyến tàu điện dát vàng này dự kiến có thời gian thi công từ 6 đến 9 tháng kể từ ngày nhận mặt bằng.
Tập đoàn Hòa Bình của đại gia Đường "bia" vừa đề xuất xây dựng tuyến đường sắt đô thị kết hợp du lịch - đường tàu điện dát vàng, nối liền sân bay Đà Nẵng với phố cổ Hội An.
Sau khi nhận mặt bằng là khu vực giải phân cách giữa các tuyến đường hiện hữu, dự án sẽ được hoàn thành trong vòng 6-9 tháng. Thời gian thu phí trong 30 năm bằng hình thức bán vé cho khách đi tàu, mức giá dao động từ 150.000-200.000 đồng/người/lượt.
Tập đoàn Hòa Bình kỳ vọng dự án đường tàu điện vàng sẽ tạo nên bước ngoặt trong lĩnh vực xây dựng đường sắt trên toàn cầu và tại Việt Nam. Đây là giải pháp hoàn toàn do đội ngũ kỹ sư Việt Nam sáng tạo và thực hiện, khẳng định năng lực và trình độ của ngành công nghiệp nước nhà.
Đà Nẵng và Hội An là hai thành phố trung tâm của miền Trung, với nhiều kỳ quan và di sản độc đáo. Khoảng cách giữa Đà Nẵng và Hội An chỉ chừng 30km, hệ thống đường xá đi lại thuận tiện và có nhiều sự lựa chọn phương tiện di chuyển khác nhau như xe máy, xe bus, taxi...
Hiện nay, các phương tiện kết nối sân bay Đà Nẵng và Hội An tuy đa dạng nhưng chưa thực sự ưu việt. Ví dụ, nếu di chuyển bằng xe máy sẽ tiết kiệm, chủ động thời gian nhưng sẽ bị ảnh hưởng bởi thời tiết và giao thông; di chuyển bằng taxi sẽ tiện lợi, nhanh chóng, an toàn nhưng nhược điểm là chi phí cao...
Vì thế, tuyến tàu điện dát vàng được kỳ vọng mang đến trải nghiệm di chuyển nhanh chóng, tiện lợi và độc đáo cho du khách.
Trước đó, vào cuối tháng 3, doanh nghiệp của đại gia Đường "bia" đã công bố tác phẩm "Đường sắt đô thị trên cao chịu lực bằng cọc bê tông ly tâm V+". Đây là đường mẫu được công ty thi công hoàn thiện và chạy thử tại Khu công nghiệp Tiên Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Đường mẫu đường sắt đô thị này sử dụng ngay dải phân cách giữa đường để ép cọc bê tông ly tâm phi 400-500mm. Đường ray (dài 100m, rộng 4,1m) được lắp đặt trên đường mẫu này.
Đầu tàu dài 3,8m và toa tàu dài 11,5m, rộng 2,8m trên đường sắt đô thị này đều được dát vàng. Tàu điện này có thể chở 100 người, tốc độ 100km/h.
Theo ông Nguyễn Hữu Đường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình cho biết trên Báo Dân Trí, loại đường sắt này có một số ưu điểm như không tốn diện tích đất, không phải giải phóng mặt bằng xe buýt BRT đang được triển khai hoặc sẽ được triển khai.
Chi phí đầu tư làm đường sắt đô thị trên cao chịu lực bằng cọc bê tông ly tâm cũng chỉ bằng 50-70% so với chi phí làm tàu điện ngầm và đường sắt trên cao hiện nay.
Ở tuổi 70, đại gia Nguyễn Hữu Đường còn được biết đến với biệt danh Đường "bia". Ông là người đầu tiên thành lập công ty tư nhân sản xuất bia tại Hà Nội.
Doanh nghiệp của ông sở hữu nhiều chung cư cao cấp, dự án đình đám tại Hà Nội, Đà Nẵng như tòa tháp đôi Hòa Bình Somerset (tổng mức đầu tư 26 triệu USD); Hòa Bình Green Apartment, Tổ hợp căn hộ dát vàng Hòa Bình Green City... Chính nhờ dát vàng mà các bất động sản của do ông Đường đầu tư nổi như cồn và căn hộ, khách sạn dát vàng đã trở thành thương hiệu riêng của vị đại gia này.