Việt Nam trải qua kỷ lục đêm dài nhất năm 2024: Phải chờ gần 300 năm nữa để có ngày đông chí vào 23/12
Việt Nam trải qua ngày đông chí có ngày ngắn nhất và đêm dài nhất trong năm 2024.
Đông chí là một hiện tượng thiên văn đánh dấu ngày ngắn nhất và đêm dài nhất năm tại Bắc bán cầu. Từ thời điểm này, ánh sáng ban ngày bắt đầu kéo dài dần. Ở chiều ngược lại, tại Nam bán cầu, ngày đông chí lại là hạ chí - thời điểm ngày dài nhất và đêm ngắn nhất trong năm.
Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), đông chí năm 2024 tại Việt Nam xảy ra vào lúc 16 giờ 20 phút ngày 21/12/2024. Đây là lúc mặt trời chiếu thẳng góc với chí tuyến Nam, đạt điểm xa nhất về phía Nam trên thiên cầu. Sau đông chí, mặt trời sẽ di chuyển ngược về phía Bắc, đi qua xích đạo thiên thể vào thời điểm xuân phân vào cuối tháng 3 năm sau.
Hiện tượng này cũng đánh dấu ngày Bắc Cực nghiêng xa nhất khỏi mặt trời, khiến các khu vực phía Bắc xích đạo trải qua ngày ngắn nhất trong năm.
Tại vùng nhiệt đới, sự chênh lệch giữa ngày và đêm trong ngày đông chí không quá lớn, khi thời gian ban ngày chỉ ngắn hơn 12 giờ một chút. Tuy nhiên, ở khu vực ôn đới và gần Vòng Bắc Cực, sự khác biệt trở nên rõ rệt hơn. Ban ngày ngắn đáng kể và trong Vòng Bắc Cực, hiện tượng "đêm vùng cực" xảy ra khi mặt trời không mọc trong suốt 24 giờ.
Hiện tượng đông chí bắt nguồn từ góc nghiêng 23,5° của trục tự quay trái đất so với mặt phẳng quỹ đạo quanh mặt trời. Khi trái đất quay quanh mặt trời, hướng trục quay không đổi, nhưng góc quan sát từ trái đất về phía mặt trời liên tục thay đổi, tạo nên các mùa trong năm.
Vào tháng 6, cực Bắc trái đất nghiêng về phía mặt trời nhiều nhất, dẫn đến hạ chí. Ngược lại, vào tháng 12, cực Bắc nghiêng xa khỏi mặt trời nhất, đánh dấu đông chí.
Theo trang Timeanddate.com, đông chí có thể xảy ra vào các ngày 20, 21, 22 hoặc 23/12, trong đó ngày 21 và 22 phổ biến hơn cả. Lần gần đây nhất đông chí rơi vào ngày 23/12 là năm 1903 và sự kiện này sẽ chỉ lặp lại vào năm 2303, tức gần 300 năm nữa.
Tương tự, đông chí vào ngày 20/12 cũng rất hiếm và lần tiếp theo sẽ diễn ra vào năm 2080.
Chuyên gia giải thích rằng sự thay đổi thời điểm đông chí bắt nguồn từ sự chênh lệch giữa năm lịch và chu kỳ quỹ đạo thực tế của trái đất. Một năm lịch Gregory có độ dài 365 ngày (hoặc 366 ngày trong năm nhuận), trong khi trái đất cần khoảng 365,242199 ngày để hoàn thành một vòng quay quanh mặt trời.
Do đó, thời điểm các điểm phân và chí trên lịch Gregory dần "trôi" so với chu kỳ quỹ đạo thực tế. Mỗi năm, đông chí lùi muộn hơn khoảng 6 giờ. Để điều chỉnh, năm nhuận được áp dụng sau mỗi 4 năm, giúp thời điểm đông chí quay trở lại ngày trước đó trên lịch Gregory
Năm nay, ngày đông chí tại Việt Nam đặc biệt trùng với ngày 21/12 dương lịch và ngày 21/11 âm lịch. Sự trùng hợp hiếm hoi này được nhiều người xem như một dấu hiệu tốt lành, biểu trưng cho may mắn và hạnh phúc.