Sống

Việt Nam trở thành 'thế lực cạnh tranh không thể xem thường', có thể vươn lên vị trí thứ 5 ngành công nghiệp đóng tàu thế giới

Quỳnh Châu 05/02/2024 - 19:36

Ngành đóng tàu của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc và đang từng bước khẳng định mình trên thương trường quốc tế…

Công nghiệp đóng tàu là một ngành công nghiệp đặc thù. Ngành này được Đảng và Nhà nước ta xác định là ngành cơ khí trọng điểm, ngành công nghiệp lớn có vai trò, tính chất then chốt trong kết cấu phát triển công nghiệp đất nước. Vì thế, không chỉ ở Việt Nam, ngành công nghiệp đóng tàu còn được rất nhiều nước trên thế giới chú trọng đầu tư và phát triển.

Báo cáo từ Market Reports World chỉ ra rằng hoạt động trong lĩnh vực này đang có xu hướng bùng nổ. Ngành công nghiệp đóng tàu toàn cầu đang có giá trị ước tính 167 tỷ USD trong năm 2022 và dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 5,45% từ đây cho tới năm 2028, ước tính đạt giá trị 229 tỷ USD vào cuối giai đoạn dự báo.

Ngành đóng tàu Việt Nam đang trỗi dậy mạnh mẽ

Ngành đóng tàu Việt Nam đang trỗi dậy mạnh mẽ

Tháng 4/2023, trang Insider Monkey (Mỹ) đã đưa ra danh sách 15 cường quốc đóng tàu trên thế giới, dựa trên dữ liệu từ Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), trong đó liệt kê tỷ lệ phần trăm số tàu đã đóng (so với toàn cầu) trong năm 2021 của các quốc gia.

Đáng chú ý, Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 7, với tỷ lệ phần trăm số tàu đã đóng vào năm 2021 là 0,61%. Xếp ở các vị trí phía trên lần lượt là Đức (0,63%), Italia (0,82%), Philippines (1,06%), Nhật Bản (17,6%), Hàn Quốc (32,4%) và đứng đầu là Trung Quốc (44,2%).

Insider Monkey cho biết, Việt Nam hiện có hơn 100 bến cảng và gần 20 nhà máy đóng tàu. Tuy nhiên, số liệu thống kê trong nước cho thấy những con số này còn lớn hơn nhiều. Tính đến tháng 11/2023, tổng số bến cảng toàn quốc là 296.

Trong khi đó, trên cả nước hiện có 97 nhà máy đóng tàu với trọng tải từ 1.000DWT trở lên và có 68 nhà máy đóng mới, sửa chữa tàu thuyền. Tổng công suất thiết kế của nhà máy đóng mới lên tới 2,6 triệu DWT/năm, theo số liệu từ Cục Hàng hải Việt Nam.

Theo Báo cáo nghiên cứu công nghiệp đóng tàu Việt Nam 2023-2032 trên Research and Markets - nền tảng cơ sở dữ liệu nghiên cứu thị trường lớn nhất thế giới, ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Nhìn chung, thị phần của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ của nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng bền vững, cùng chuỗi công nghiệp sản xuất và công nghiệp phụ trợ phát triển.

Triển lãm thiết bị máy móc hàng hải và đóng tàu Việt Nam (VIMOX 2023) lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 7/2023, với sự góp mặt của hơn 100 đơn vị hàng hải đến từ nhiều nước trên thế giới.

Tại triển lãm, các chuyên gia và đại biểu tham dự đã đặc biệt đánh giá cao vị thế của ngành hàng hải Việt Nam, cũng như tiềm năng to lớn của ngành đóng tàu. CEO Fireworks Trade Media, ông Kenny Yong cho rằng, ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam đã nổi lên như một thế lực cạnh tranh không thể xem thường, thể hiện sự tăng trưởng, khả năng phục hồi và thích ứng đáng kể.

“Với đường bờ biển trải dài, lực lượng lao động lành nghề và vị trí địa lý chiến lược, Việt Nam sở hữu lợi thế độc nhất trong việc nắm bắt các cơ hội do ngành hàng hải toàn cầu mang lại”, ông Kenny Yong nhận định.

Việt Nam có hướng phát triển riêng biệt so với các quốc gia mới nổi trong khu vực

Việt Nam có hướng phát triển riêng biệt so với các quốc gia mới nổi trong khu vực

Tiến sĩ Hoàng Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam cho hay, tình trạng suy thoái của ngành đóng tàu nước ta đã dần qua đi. Hiện nay ngành đóng tàu đang phục hồi, các cơ sở đóng tàu phát triển ở khắp các địa phương trải dài từ Bắc đến Nam.

Hiện cả nước có khoảng gần 120 các cơ sở đóng tàu lớn nhỏ, với sản lượng hàng năm tăng gấp 10 lần so với thập kỷ trước, thay vì trước đây chỉ tập trung tại các khu vực tỉnh thành phát triển kinh tế như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và TP. HCM.

Bộ đôi tàu tên lửa Molniya 1241.8 của Việt Nam

Bộ đôi tàu tên lửa Molniya 1241.8 của Việt Nam

"Ngành đóng tàu Việt Nam với gần 70% vật tư thiết bị đang phải nhập ngoại, đây là dư địa rất lớn giành cho các nhà cung ứng vật tư thiết bị trong ngoài nước, đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển…", ông Hoàng Hùng cho biết.

Trong khi đó, Báo cáo về ngành công nghiệp đóng tàu tại các thị trường châu Á mới nổi của công ty dịch vụ kỹ thuật hàng hải Inserve (trụ sở tại London, Anh) nhận định, Việt Nam có hướng phát triển riêng biệt so với các quốc gia mới nổi trong khu vực.

Sự tham gia của các công ty liên doanh và các chính sách đầu tư, quan tâm của Nhà nước đã thúc đẩy ngành đóng tàu của Việt Nam ngày càng phát triển hơn nữa. Do đó, ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam dự kiến có thể vươn lên vị trí thứ 5, thậm chí thứ 4 trong bảng xếp hạng toàn cầu, chỉ sau 3 ông lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

>> Việt Nam lọt top 7 cường quốc đóng tàu thế giới, doanh nghiệp nào có lợi?

Chiến hạm tên lửa hiện đại đầu tiên do Việt Nam đóng: Trang bị 16 tên lửa chống hạm, có độ ổn định bậc nhất thế giới

Việt Nam sở hữu loại tàu buồm hiện đại bậc nhất thế giới: Diện tích cánh buồm đến 1.400m2, mất 45 phút mới kéo xong toàn bộ

Con tàu tân tiến nhất thế giới có thể khoan xuyên lớp vỏ Trái Đất: Hoạt động trong phạm vi 28.000km, được ví như mở ra 'cánh cửa địa ngục'

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/viet-nam-tro-thanh-the-luc-canh-tranh-khong-the-xem-thuong-co-the-vuon-len-vi-tri-thu-5-nganh-cong-nghiep-dong-tau-the-gioi-d115979.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Việt Nam trở thành 'thế lực cạnh tranh không thể xem thường', có thể vươn lên vị trí thứ 5 ngành công nghiệp đóng tàu thế giới
POWERED BY ONECMS & INTECH