Việt Nam ứng dụng công nghệ mới trong giám định ADN hài cốt liệt sĩ, đã tách chiết được 8.000 mẫu hài cốt
Kể từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Giám định ADN đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực phân tích ADN từ mẫu xương lâu năm.
Chiều ngày 12/7, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức họp báo nhằm thông tin về kết quả hoạt động nổi bật trong 6 tháng đầu năm và định hướng nhiệm vụ trọng tâm cho 6 tháng còn lại của năm 2024.
Tại cuộc họp báo, PGS.TS Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết kể từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Giám định ADN đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực phân tích ADN từ mẫu xương lâu năm.
Cụ thể, Trung tâm đã phát triển thành công 13 quy trình phân tích ADN, thực hiện 800 đợt tách chiết ADN nhân, tương đương với khoảng 8.000 mẫu hài cốt liệt sĩ. Nhờ nỗ lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, Trung tâm đã đạt tỷ lệ tách thành công và bàn giao lên đến 22%, tương đương khoảng 1.600 mẫu được bàn giao cho Cục Người có công, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Viện Công nghệ sinh học tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình mẫu và hai quy trình giám định ADN thường quy. Đây là những cải tiến quan trọng trên nền tảng công nghệ cũ đã được công nhận và áp dụng, góp phần nâng cao hiệu quả và độ chính xác trong công tác giám định.
PGS.TS Phí Quyết Tiến đã có chia sẻ về những đổi mới trong công nghệ giám định ADN hài cốt liệt sĩ, góp phần nâng cao hiệu quả và độ chính xác trong công tác tìm kiếm, quy tập và định danh hài cốt.
Trước đây, các đơn vị sử dụng công nghệ giám định ADN cho mẫu hài cốt liệt sĩ chủ yếu dựa vào phân tích ADN ty thể. Tuy nhiên, do chất lượng mẫu ngày càng khó khăn, các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu để ứng dụng công nghệ ADN ty thể vào quy trình giám định thường quy. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ phân tích hiện đại, bao gồm máy giải trình tự gene thế hệ mới và công nghệ vi sinh học, việc giám định ADN từ mẫu xương cổ đã được cải tiến nhờ phân tích ADN nhân.
Việc áp dụng công nghệ mới trong khai thác ADN xương cổ được thực hiện phối hợp với Viện khảo cổ học nhằm xác định nguồn gốc di truyền của mẫu xương có niên đại từ vài trăm đến nghìn năm. Điều này tạo cơ sở để tiếp tục phát triển giám định ADN xương cổ của các liệt sĩ đã chôn lấp từ 40-80 năm.
Chia sẻ về dự án ODA nhằm tăng cường năng lực giám định ADN hài cốt liệt sĩ theo công nghệ giải trình tự gene thế hệ mới (NGS), PGS.TS Phí Quyết Tiến cho biết Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang phối hợp với Ủy ban Quốc tế về Người mất tích để triển khai. Đoàn công tác của Viện đã mang 100 mẫu hài cốt liệt sĩ sang Hà Lan để thực hiện tách chiết ADN và giám định ADN.
Trong giai đoạn tới, Trung tâm sẽ hoàn thiện cơ sở vật chất nhờ việc tiếp nhận máy giải trình thế hệ mới tài trợ, đồng thời cải tiến và ứng dụng công nghệ mới vào công tác giám định. Trung tâm cũng sẽ nghiên cứu để tối ưu hóa và thử nghiệm các phương pháp khác nhau. Ngoài ra, Viện sẽ tăng cường hợp tác đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực, cử cán bộ đi tiếp nhận công nghệ và tham gia công tác giám định tại Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á.
>> Nơi duy nhất của Việt Nam xét nghiệm ADN tích hợp Thẻ căn cước mới