VietBank và Hoa Lâm: Khi loạt dự án của mẹ được đem thế chấp tại ngân hàng của con

07-07-2023 14:58|Hoàng Yến

Bên cạnh những khoản tín dụng hàng trăm tỷ đồng, Vietbank còn là "ông bầu" thu xếp hàng loạt lô trái phiếu cho các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Hoa Lâm.

Từ hàng loạt tài sản thế chấp tại VietBank

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank - Mã: VBB) ngày 28-29/6 đã thông qua một loạt giao dịch cấp tín dụng và thay đổi tài sản đảm bảo cho các khoản tín dụng một số doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Hoa Lâm (gọi tắt là Hoa Lâm). Các tài sản đảm bảo này đều thuộc tờ bản đồ số 18, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. HCM.

VietBank và Hoa Lâm: Khi loạt dự án của mẹ được đem thế chấp tại ngân hàng của con
Nguồn: Tổng hợp

Đáng chú ý, không chỉ một loạt các giao dịch trên, Hoa Lâm và các doanh nghiệp thành viên còn có nhiều tài sản thế chấp khác tại VietBank như:

- Hoa Lâm thế chấp toàn bộ các quyền của Bên bảo đảm phát sinh từ Hợp đồng Hợp tác kinh doanh 4B Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Quận 1 giữa CTCP Đầu tư Phát triển Hoa Lâm và Công ty Hải Thành.

- Hoa Lâm thế chấp toàn bộ vốn góp ở CTCP Phát triển Đô thị Đông Dương tại VietBank.

- CTCP Phát triển Đô Thị Đông Dương nêu trên thế chấp khoản phải thu 5% giá trị Hợp đồng mua bán căn hộ của 934 Căn hộ chung cư thuộc dự án Dự án Khu căn hộ - Trung tâm thương mại, dịch vụ Đông Dương (tên thương mại là Kingdom 101) tại số 334 Tô Hiến Thành, phường 14, quận 10 do do chính doanh nghiệp này làm chủ đầu tư.

Đến các lô trái phiếu được VietBank thu xếp phát hành

Bên cạnh các tài sản thế chấp, VietBank cũng là "ông bầu" thu xếp hàng loạt lô trái phiếu cho các doanh nghiệp hệ sinh thái Hoa Lâm.

Công ty TNHH Vinh An Điền đã dùng quyền sử dụng đất tại thửa số 1-2, tờ bản đồ số 108, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM thuộc sở hữu của Hoa Lâm – Shangri-La 5 để hút 650 tỷ đồng trái phiếu

Công ty TNHH Minh Khang Điền dùng thửa đất số 1-3, tờ bản đồ số 108 trên thuộc sở hữu của Hoa Lâm –Shangri-La 6 làm tài sản đảm bảo huy động 572 tỷ đồng trái phiếu;

Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Gia An cũng dùng quyền sử dụng đất tại thửa đất số 17, tờ bản đồ số 108 nêu trên do Công ty TNHH Trường mẫu giáo Quốc tế Morningstar (tên cũ là Hoa Lâm – Shangri-La 4) sở hữu để hút 456 tỷ đồng trái phiếu.

CTCP Hong Lim Land cũng huy động 504 tỷ đồng trái phiếu để hợp tác với CTCP Dịch vụ Hoa Lâm Shang-ri La đầu tư vào dự án khu nhà ở, căn hộ D2, D3 thuộc Khu y tế kỹ thuật cao số 532A Kinh Dương Vương, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM.

Tài sản bảo đảm của lô trái phiếu là quyền sử dụng các lô đất tại Khu công nghiệp Cát Lái - Cụm 2, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư Phát triển Hoa Lâm và các thửa đất tại huyện Hóc Môn, TP.HCM thuộc sở hữu của ông Nguyễn Phan Hoài Hiệp.

Không chỉ dừng lại ở đó, còn nhiều các pháp nhân cùng nhóm Hoa Lâm trong giai đoạn năm 2020-2021 cũng đã huy động vốn qua kênh trái phiếu. Tổng giá trị phát hành của các lô trái phiếu này đến là 4.440 tỷ đồng và đương nhiêu đều được “ông bầu” Vietbank thu xếp phát hành.

VietBank và Hoa Lâm: Khi loạt dự án của mẹ được đem thế chấp tại ngân hàng của con
Những lô trái phiếu của các doanh nghiệp hệ sinh thái Hoa Lâm được VietBank thu xếp phát hành.

Tuy nhiên, tất cả các lô trái phiếu nêu trên đã được các doanh nghiệp này mua lại trước hạn vào năm 2022 và đặc biệt là thời điểm cuối tháng 3/2023. Chỉ trong 2 ngày 23 và 24, có 4/7 lô trái phiếu đã được mua lại trước hạn.

Doanh nghiệp mẹ - ngân hàng con

Có thể thấy, những khoản tín dụng hàng trăm tỷ đồng hay những lô trái phiếu của các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Hoa Lâm đều có bóng hình của VietBank. Không khó để giải thích điều này bởi VietBank và Hoa Lâm có mối quan hệ mật thiết ngay từ khi ngân hàng được sáng lập.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Phú Tâm được thành lập theo quyết định số 2391/QĐ-NHNN vào ngày 14/12/2006. Khi đó, cổ đông sáng lập là những cá nhân, pháp nhân có liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Công ty Diệu Hiền.

VietBank và Hoa Lâm: Khi loạt dự án của mẹ được đem thế chấp tại ngân hàng của con
Ngân hàng VietBank.

Nhóm cổ đông ACB trước đây được biết đến là các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Đức Kiên (hay còn gọi bầu Kiên). Tuy nhiên, bước sang năm 2019, nhóm bầu Kiên đã thoái lượng lớn cổ phần của Vietbank.

Tuy nhiên, nhóm cổ đông liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm vẫn hiện diện tại Vietbank. Ông Dương Nhất Nguyên, con trai bà Trần Thị Lâm - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm hiện đang là Chủ tịch HĐQT VietBank. Trước ông Nguyên, ông Dương Ngọc Hoà, chồng bà Lâm cũng từng giữ vai trò Chủ tịch HĐQT ngân hàng từ khi sáng lập đến năm 2021.

Theo Báo cáo quản trị năm 2022, nhóm cổ đông gia đình Chủ tịch Vietbank hiện đang nắm giữ 9,73% tỷ lệ sở hữu tại nhà băng này.

Ngay trên website của công ty, Tập đoàn Hoa Lâm đã khẳng định: “Năm 2006, Hoa Lâm bắt đầu tham gia thị trường tài chính khi đầu tư số vốn lớn tại Ngân hàng Việt Nam Thương tín, nơi ông Dương Ngọc Hòa là Chủ tịch HĐQT. Đây cũng là cách để Tập đoàn Hoa Lâm củng cố và mở rộng tiềm lực tài chính vững mạnh”.

VietBank và Hoa Lâm: Khi loạt dự án của mẹ được đem thế chấp tại ngân hàng của con
Phần giới thiệu về VietBank trên website của Hoa Lâm.

Vietbank (VBB) chốt trả cổ tức 25% bằng cổ phiếu

VietBank nỗ lực tăng vốn điều lệ, kiên định với mục tiêu tăng trưởng bền vững

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vietbank-va-hoa-lam-khi-loat-du-an-cua-me-duoc-dem-the-chap-tai-ngan-hang-cua-con-190712.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    VietBank và Hoa Lâm: Khi loạt dự án của mẹ được đem thế chấp tại ngân hàng của con
    POWERED BY ONECMS & INTECH