VietinBank, TPBank, Sacombank... chi mạnh tay cho AI: Hàng nghìn nhân viên ngân hàng đối mặt nguy cơ mất việc?
Trước làn sóng AI và chuyển đổi số, ngân hàng Việt đang bước vào cuộc “thay máu” mạnh mẽ: cắt giảm phòng giao dịch, tinh gọn nhân sự truyền thống, mở đường cho đội ngũ công nghệ và dữ liệu lên ngôi. Sân chơi giờ đây không còn là của những người giỏi hồ sơ, mà thuộc về những ai làm chủ dữ liệu và thuật toán
Ngân hàng Việt đang xây lại từ nền móng công nghệ
Trong vài năm trở lại đây, làn sóng chuyển đổi số tại các ngân hàng Việt Nam đã bước vào giai đoạn tăng tốc. Hàng loạt “ông lớn” như VietinBank, TPBank, Sacombank… không ngần ngại đầu tư hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm để xây dựng hạ tầng công nghệ, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) vào quy trình vận hành.
Ngay trong tháng 5/2025, VietinBank đã khiến thị trường xôn xao khi là ngân hàng đầu tiên trong nhóm Big4 liên tiếp thông báo chấm dứt hoạt động hàng loạt phòng giao dịch trên cả nước. Tính riêng từ cuối tháng 3 đến nay, đã có 32 phòng giao dịch chính thức đóng cửa, trải dài từ Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Quảng Ninh đến Huế và Gia Lai.
![]() |
Chủ tịch HĐQT Trần Minh Bình cho hay, ngân hàng cũng đang thử nghiệm mô hình trung tâm dịch vụ khách hàng (contact center) ứng dụng AI, có thể thay thế đến 70% nhân sự vận hành. |
>>>Bách hóa Xanh lãi 22 tỷ, sắp mở thêm 400 cửa hàng: CEO MWG tiết lộ kế hoạch IPO đầy tham vọng
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tháng 4/2025, Chủ tịch HĐQT Trần Minh Bình cho hay, ngân hàng cũng đang thử nghiệm mô hình trung tâm dịch vụ khách hàng (contact center) ứng dụng AI, có thể thay thế đến 70% nhân sự vận hành. Trong 2 năm gần đây, VietinBank hầu như không tuyển dụng nhân sự cho các hoạt động kinh doanh truyền thống, bao gồm tín dụng, nguồn vốn.
“Chúng tôi không đơn thuần là cắt giảm, mà đang định hình lại toàn bộ trải nghiệm khách hàng. Các điểm giao dịch vật lý sẽ được thay thế bằng công nghệ số hiện đại, thuận tiện hơn, nhanh chóng hơn, an toàn hơn”, ông Bình nhấn mạnh.
Không riêng VietinBank, Sacombank trong năm 2024 cũng đã đóng cửa 13 điểm giao dịch, vừa qua tiếp tục đề xuất dừng hoạt động thêm 5 phòng giao dịch nữa để tái cấu trúc mạng lưới theo hướng tinh gọn, hiện đại hóa.
Trong khi đó, TPBank – ngân hàng được mệnh danh là “thuần số” cũng đã mạnh tay cắt giảm từ 300 đến 500 nhân sự trong năm 2024, sau khi áp dụng sâu rộng các giải pháp tự động hóa quy trình vận hành, chăm sóc khách hàng và hệ thống chấm điểm tín dụng bằng AI.
Lãnh đạo TPBank lý giải, AI cho phép xử lý khối lượng công việc gấp nhiều lần con người với độ chính xác cao và tốc độ vượt trội, đồng thời có khả năng học hỏi liên tục, khiến việc duy trì đội ngũ nhân sự lớn trong một số vị trí truyền thống trở nên không cần thiết.
Tương tự, ABBank cũng đang trong quá trình lột xác mạnh mẽ về nhân sự. Sau khi giảm gần 200 nhân sự trong năm 2024, ngân hàng này tiếp tục xây dựng kế hoạch cắt giảm nhân sự toàn hệ thống trong năm nay. Mục tiêu không giấu giếm: tối ưu hóa chi phí vận hành, tăng hiệu quả hoạt động và lợi nhuận ròng.
Những con số và động thái từ các ngân hàng lớn cho thấy rõ xu hướng chuyển đổi số không chỉ là cuộc cách mạng về công nghệ mà còn là sự thay đổi sâu sắc trong quản trị nguồn nhân lực, đặt ra thách thức và cơ hội lớn cho toàn ngành ngân hàng Việt Nam trong kỷ nguyên số.
70% nhân sự ngân hàng không có chuyên môn tài chính: Đào tạo lại hay bị đào thải?
Sự nổi lên của AI khiến không ít vị trí truyền thống trong ngân hàng đứng trước nguy cơ bị thay thế. Theo các chuyên gia, các tác vụ lặp đi lặp lại như xử lý hồ sơ tín dụng, đối chiếu dữ liệu, phê duyệt giao dịch hay chăm sóc khách hàng cơ bản đang dần được tự động hóa hoàn toàn.
Lãnh đạo một ngân hàng lớn tiết lộ, trong hai năm gần đây, đơn vị này hầu như không tuyển mới nhân sự cho các mảng kinh doanh truyền thống như tín dụng, huy động vốn. Đây là chỉ dấu cho thấy ngành ngân hàng đang âm thầm tái cấu trúc lực lượng lao động theo hướng tinh gọn, công nghệ hóa.
![]() |
Cuộc chơi ngân hàng giờ đây không còn là của những người giỏi hồ sơ, mà thuộc về những ai làm chủ dữ liệu và thuật toán. |
Ở chiều ngược lại, làn sóng AI cũng đang mở ra nhiều cơ hội việc làm mới cho những người có kỹ năng phù hợp. Các ngân hàng hiện đang có nhu cầu rất lớn đối với nhân sự công nghệ cao, bao gồm chuyên gia về dữ liệu lớn (Big Data), bảo mật thông tin, kỹ sư AI, UX/UI design, lập trình viên hệ thống, quản trị sản phẩm số…
Theo ông Nguyễn Hưng – Tổng Giám đốc TPBank, số lượng nhân sự tại ngân hàng có thể giảm, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc dừng tuyển dụng. Thay vào đó, các ngân hàng cần tuyển đúng người có khả năng vận hành hệ thống số và phát triển sản phẩm tài chính thông minh, cá nhân hóa.
Hiện tại, 70% nhân sự làm trong mảng công nghệ số tại các ngân hàng không có chuyên môn gốc về tài chính – ngân hàng, buộc các tổ chức phải triển khai các chương trình đào tạo lại quy mô lớn, kết hợp giữa kỹ năng tài chính và công nghệ.
Việc AI được ứng dụng ngày càng rộng rãi không chỉ là xu thế, mà còn là bài toán sống còn với nhiều ngân hàng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ là chuyện đầu tư hạ tầng, mà còn đòi hỏi chiến lược quản trị nguồn nhân lực dài hạn, trong đó có việc cập nhật kỹ năng cho đội ngũ hiện hữu, đồng thời tạo ra môi trường làm việc hấp dẫn để thu hút nhân sự công nghệ cao – một nguồn lực cực kỳ khan hiếm và cạnh tranh trên thị trường lao động hiện nay.
Tương lai của ngành ngân hàng không còn là hình ảnh quen thuộc với hàng đống hồ sơ giấy tờ và các quy trình thủ công phức tạp. Thay vào đó, sân chơi sẽ dành cho những người làm chủ dữ liệu, khai thác sức mạnh công nghệ để đưa ra các quyết định nhanh chóng, chính xác và cá nhân hóa. Ai nhanh nhạy nắm bắt xu hướng sẽ ở lại cuộc đua, ai chậm thích nghi sẽ bị bỏ lại phía sau.