Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngành điện đạt mức tăng trưởng tốt nhất.
Đến hẹn lại lên, CTCP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố bảng xếp hạng VIX50 - Top 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả. Như thường lệ, nhà đầu tư vẫn luôn hướng cái nhìn đến TOP10 – 10 doanh nghiệp uy tín, hiệu quả nhất trong bảng xếp hạng.
Bên cạnh những cái tên, thứ tự trong bảng xếp hạng năm 2023,VNR còn có những nhận định, những phân tích chi tiết diễn biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh
Năm 2022 thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận một kỷ lục về số lượng tài khoản mở mới. Một trong những nguyên nhân được lý giải là do thời điểm cuối năm 2021 thị trường chứng khoán bật tăng, VN-Index thiết lập đỉnh. Các nhà đầu tư cuồng chân ở nhà bởi những lệnh giãn cách do dịch bệnh Covid-19… khiến số lượng tài khoản mở mới gia tăng mạnh mẽ.
Bên cạnh đó bước sang năm 2022, thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều tác động từ trái phiếu, từ lãi suất, khiến Vn-Index lại lao dốc từ vùng đỉnh hơn 1.500 điểm xuống sát 1.000 điểm – cơ hội tích lũy bắt đáy mà nhiều nhà đầu tư mong muốn.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán nhiều biến động, nhà đầu tư có xu hướng đi tìm những cổ phiếu an toàn để “tránh bão”. Nhóm doanh nghiệp có thiên hướng kinh doanh ổn định, uy tín, hiệu quả vẫn được lựa chọn. Đây chính là yếu tố lớn giúp thị trường chứng khoán vẫn đứng vững qua sóng gió.
Những nhân tố ảnh hưởng nhiều nhất đến thị trường chứng khoán năm 2023
VNR nhận định có những yếu tố tiêu cực, yếu tố tích cực và cả những yếu tố đan xen tích cực và tiêu cực cùng ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Trong số đó triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam vẫn đóng vai trò lớn nhất. Đứng thứ 2, là những thông tin từ việc Trung Quốc gỡ bỏ chính sách Zero Covid, mở cửa trở lại.
Việc Trung Quốc đóng cửa, thực hiện chính sách zero Covid đã khiến không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới gặp khó khăn do bị đứt gãy nguồn cung. Giá cả nguyên vật liệu leo thang, vận tải, logistics bị đình trệ là những nguyên nhân quan trọng khiến giá cả tăng vọt.
Bên cạnh những yếu tố trên, VNR cho rằng hoạt động đầu tư công đang là một trong số 4 yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán năm 2023 với tỷ lệ ảnh hưởng tích cực đến 57,1%.
Diễn biến dòng đầu tư của khối ngoại mang yếu tố tiêu cực và tích cực đan xen
Khá bất ngờ khi khảo sát của Vietnam Report cho kết quả rằng diễn biến dòng vốn đầu tư của khối ngoại lại cho ra tỷ lệ ảnh hưởng đan xen giữa tích cực và tiêu cực nhiều hơn là tỷ lệ ảnh hưởng tích cực.
VNR cho rằng quy mô lớn của dòng vốn khối ngoại có khả năng tác động lớn đến thị trường chứng khoán thông qua việc mua/bán ròng cổ phiếu, theo đó tạo ra sự dao động mạnh về giá cổ phiếu, ảnh hưởng đến thanh khoản và tâm lý của nhà đầu tư.
Thống kê của VNR cho thấy năm ngoái khi tâm lý tiêu cực lấn át, nhóm nhà đầu tư cá nhân bán ròng trên thị trường, và khối ngoại lại mua ròng mạnh mẽ khoảng 29.200 tỷ đồng và trở thành điểm sáng của thị trường. Trong khi đó 4 tháng đầu năm 2022 khi xu hướng mua của khối ngoại chững lại, nhà đầu tư trong nước bắt đầu hút hàng, thì khối ngoại đảo chiều sang bán ròng đến 3.500 tỷ đồng trên HoSE trong tháng 4 vừa qua.
Nhìn về mặt tích cực, một số ý kiến cho rằng các nhà đầu tư ngoại đã mua ròng quy mô trên 30.000 tỷ đồng trong khoảng 3 tháng từ tháng 11/2022 đến tháng 2/2023, áp lực chốt lời có xu hướng gia tăng và việc bán ròng mạnh diễn ra nhằm cân bằng lại cung cầu nên không đáng quan ngại.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang ở vùng giá hấp dẫn
Các chuyên gia và các doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report đều nhận định ngành ngân hàng vẫn đang đối mặt với 1 số khó khăn, thách thức như biên lãi thuần có thể giảm, áp lực trái phiếu đáo hạn ngày càng tăng, lợi suấy danh mục cho vay bị điều chỉnh giảm nhanh hơn theo lãi suất huy động mới… bên cạnh đó còn mối lo với chất lượng tín dụng suy giảm do doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề đang gặp khó khăn, tạo áp lực nợ xấu gia tăng.
Dù vậy tín hiệu tích cực vẫn nhiều hơn khi nhiều chính sách hỗ trợ được ban hành kịp thời, nhiều gói kích cầu tín dụng được tung ra. Nhà đầu tư, giới chuyên gia đều kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ có mức tăng mạnh. Kết quả khảo sát cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đang ở vùng giá hấp dẫn, phù hợp cho mục tiêu đầu tư dài hạn.
Đứng sau nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm cổ phiếu ngành sản xuất, phân phối điện được kỳ vọng tăng trưởng mạnh nhờ những động thái tích cực. Quy hoạch điện VIII ra đời, việc đàm phán giá điện tái tạo đang có những bước tiến mới khiến nhóm cổ phiếu ngành năng lượng đang tăng mạnh.
Các chuyên gia nhận định, những chính sách gỡ rối, hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ đã góp phần lớn thúc đẩy sự tăng trưởng nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Bất ngờ với Top 10 địa phương hấp dẫn doanh nghiệp lớn nhất năm 2024
Không phải NVL, KDH, DIG, đây mới là doanh nghiệp lớn thứ hai ngành BĐS, sau Vingroup