Vinaconex (VCG): Tiền lớn trở lại cổ phiếu sau 9 tháng, đón sóng đầu tư công
Theo ABS Research, Vinaconex (VCG) thuộc nhóm cổ phiếu tiềm năng trong ngành hạ tầng - xây dựng nhờ hưởng lợi trực tiếp từ làn sóng đầu tư công và backlog gần 25.000 tỷ đồng.
Ngày 15/1/2025, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sửa đổi chính thức có hiệu lực, kỳ vọng tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy tiến độ các dự án hạ tầng. Cùng với đó, đầu tư công được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ tăng trưởng GDP vượt 8%.
Trên thị trường, nhóm cổ phiếu đầu tư công, đặc biệt VCG (Vinaconex - HoSE), đã phản ứng tích cực. Từ cuối tháng 12/2024 đến nay, cổ phiếu này tăng 25%, đạt 21.750 đồng/cp (kết phiên 13/2), chính thức vượt đường MA200. Chỉ báo RSI trên 70, cho thấy dòng tiền lớn đã quay lại sau hơn 9 tháng.
Năm 2025, Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành 3.000km cao tốc, khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đồng thời đảm bảo tiến độ sân bay Long Thành. Theo Chứng khoán An Bình (ABS), nhiều dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (721km) sẽ hoàn thành trong năm 2025, một số công trình hoàn thiện trước 30/4, trở thành điểm rơi doanh thu quan trọng cho nhà thầu.
Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT đang đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư công nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Nhìn xa hơn, đến năm 2030, Việt Nam hướng tới 5.000km cao tốc, tổng vốn đầu tư hạ tầng đạt 24,8 tỷ USD, trong đó dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (67 tỷ USD) đã được Quốc hội thông qua.
Theo ABS Research, Vinaconex thuộc nhóm cổ phiếu tiềm năng trong ngành hạ tầng - xây dựng nhờ hưởng lợi trực tiếp từ làn sóng đầu tư công và backlog ấn tượng gần 25.000 tỷ đồng, đảm bảo nguồn thu ổn định trong tương lai.
Kết quả kinh doanh 2024 của Vinaconex cũng ghi nhận doanh thu gần 12.900 tỷ đồng, cao nhất từ năm 2012, lợi nhuận sau thuế đạt 1.158 tỷ đồng, mức cao nhất giai đoạn 2021-2024.
Liên danh Vinaconex (VCG) trúng gói thầu xây lắp hơn 4.300 tỷ đồng của EVN
Liên danh 7 nhà thầu được chọn thực hiện một phần công trình thủy điện 21.100 tỷ đồng