Đến cuối năm 2022, CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (Mã VNM - HOSE) đang có 2.300 tỷ đồng tiền mặt và tương đương cùng với 17.400 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn.
2022 là năm đầu tiên sau 5 năm Vinamilk báo lợi nhuận sau thuế dưới 10.000 tỷ đồng. Con số 8.578 tỷ lãi ròng là mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNM giảm từ mức 80.750 đồng thị giá tại thời điểm đầu năm 2022 và tạo đáy 61.300 đồng hồi giữa tháng 6 trước khi hồi trở lại và kết năm tại mức 76.100 đồng.
Tính chung, mã chỉ giảm 5,8% trong năm 2022 và trở thành một trong số cổ phiếu VN30 giảm ít nhất nhóm trong cùng thời điểm. Đầu phiên sáng 21/3/2023, cổ phiếu VNM đang giao dịch tại mức 74.x đồng.
Dù tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức âm khiến EPS giảm về còn 3.632 đồng/cổ phiếu song Vinamilk vẫn dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền năm 2022 cho cổ đông với tỷ lệ gần 40%.
Ghi nhận tại thời điểm 31/12/2022, VNM còn 3.353 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Đến cuối năm 2022, vốn hóa thị trường của VNM đứng thứ 6 trong nhóm doanh nghiệp VN30 với hơn 159.000 tỷ đồng.
Trong tổng số 2,09 tỷ cổ phiếu VNM đang lưu hành trên thị trường, 55,6% lượng cổ phiếu được nắm giữ bởi các cổ đông nước ngoài trong đó F&N DaiRy Investments Pte LTD và Platinum Victory Pte.LTD là 2 đại cổ đông sở hữu lần lượt 17,69% và 10,62% vốn Vinamilk - tương ứng lượng cổ phiếu nắm giữ là 369,75 triệu đơn vị và 221,86 triệu đơn vị.
Các cổ đông tổ chức hiện cũng đang sở hữu tới 93,4% khối lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty trong đó 20 tổ chức lớn nhất đã nắm tới 79,11% vốn (Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước đang sở hữu 36% vốn tại Vinamilk).
Một số thống kê nổi bật:
- Tiền và tương đương tiền đến cuối năm 2022 ở mức 2.300 tỷ đồng;
- Tiền gửi co kỳ hạn 17.413 tỷ;
- Tổng đàn bò đang quản lý là 146.000 con;
- 230.000 điểm bán tại Việt Nam;
Giá trị thương hiệu Vinamilk ở mức 2,8 tỷ USD - tăng 18% so với cùng kỳ, xếp thứ 2 trong Top 5 thương hiệu sữa mạnh nhất toàn cầu và thứ 6 trong Top 10 thương hiệu sữa giá trị nhất thế giới;
- Vinamilk hiện đang quản lý 80 trạm thu mua sữa tươi nguyên liệu trên phạm vi cả nước với tổng số hơn 85.000 con; Mộc Châu Milk đang quản lý 25.000 con qua đó nâng tổng số đàn bò trong dân do Vinamilk quản lý lên hơn 110.000 con - mỗi ngày cung cấp hơn 500 tấn sữa tươi nguyên liệu;
- Trong năm 2022, Vinamilk đã chi 23,4 tỷ đồng để trả thủ lao cho các Thành viên HĐQT. Con số này bao gồm lương + thu nhập theo kết quả hoạt động kinh doanh + phụ cấp);
Trong thông điệp của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hạnh Phúc, lãnh đạo Vinamilk nhấn mạnh: "Bước sang năm 2023 – năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết ĐHCĐ nhiệm kỳ 2022 - 2026, tuy những tháng đầu năm vẫn còn khó khăn do ảnh hưởng của năm 2022 nhưng chúng ta sẽ kiên trì phấn đấu đạt các mục tiêu tăng trưởng mà Nghị quyết đã đề ra bao gồm: Khai thác thu mua nguyên liệu với giá cả hợp lý; sản xuất đạt công suất thiết kế; cung ứng sản phẩm chất lượng cao; giới thiệu thêm sản phẩm đáp ứng với nhu cầu của mọi đối tượng; có chiến lược kinh doanh phù hợp từng vùng và đẩy mạnh áp dụng công nghệ số để chiếm lĩnh thị trường; cơ cấu chính sách lương thưởng hợp lý; quy hoạch xây dựng đội ngũ lãnh đạo có đủ năng lực và phẩm chất để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cho công ty.