Vingroup hiến kế giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho 2 đại công trình kết nối trung tâm với huyện duy nhất giáp biển của TP. HCM
Tập đoàn Vingroup cho rằng nên kết hợp xây cầu Cần Giờ với đầu tư xây dựng metro nhằm đảm bảo sự đồng bộ, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian cho cả 2 công trình.
Mới đây, Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) đã có đề có văn bản đề xuất gửi Ủy ban Nhân dân (UBND) TP. HCM về việc tham gia nghiên cứu sơ bộ phương án đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm TP. HCM với huyện Cần Giờ.
Theo như nội dung đề xuất, Vingroup cho rằng nên kết hợp đầu tư metro với xây cầu Cần Giờ nhằm đảm bảo đồng bộ và giúp tiết kiệm chi phí, thời gian cho cả 2 công trình.
Vingroup cho rằng, nếu như dự án cầu Cần Giờ hoàn thành sẽ thay thế phà Bình Khánh thì tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm TP. HCM với huyện Cần Giờ hoàn toàn "phù hợp với xu hướng, nhu cầu phát triển giao thông".
Theo doanh nghiệp này, TP. HCM hiện đang có kế hoạch xây cầu Cần Giờ với mục tiêu khởi công vào dịp 30/4 và sẽ hoàn thành vào năm 2028. Vì thế, Vingroup đề xuất kết hợp đầu tư tuyến đường sắt đô thị với xây cầu Cần Giờ nhằm đảm bảo sự đồng bộ về hệ thống kỹ thuật, không những thế sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí của 2 công trình.
>> Soi khối BĐS khủng của vợ chồng Triệu Vy trước tin đồn cầm đầu đường dây buôn người
Tại văn bản đề xuất này, Vingroup cũng đề nghị UBND TP. HCM cho phép doanh nghiệp này được sử dụng chi phí riêng để nghiên cứu, khảo sát phương án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm TP. HCM với huyện Cần Giờ trên cơ sở kết hợp với việc đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ.
Doanh nghiệp của ông Phạm Nhật Vượng mong muốn được phối hợp với Sở GTVT TP. HCM cùng Đơn vị tư vấn đang triển khai dự án cầu Cần Giờ cùng nghiên cứu, khảo sát và tìm phương án phù hợp nhằm đảm bảo kỹ thuật, tính khả thi và tính hiệu quả.
Trước đề xuất này của Tập đoàn Vingroup, Sở GTVT TP. HCM đã có buổi làm việc với doanh nghiệp này dịp đầu năm 2025.
Sau khi doanh nghiệp xác định rõ nội dung đề xuất nghiên cứu dự án gồm phương án kỹ thuật; phạm vi nghiên cứu; hình thức đầu tư dự án; nguồn kinh phí nghiên cứu sơ bộ; quyền và trách nhiệm của các bên liên quan..., phía Sở GTVT sẽ tiến hành tham mưu và đề xuất UBND TP. HCM tiến hành xem xét và chấp thuận các thủ tục thực hiện dự án theo đúng quy định.
Trước đó, tại Hội nghị công bố quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 diễn ra vào hôm 4/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, tham gia xây dựng tuyến đường sắt này.
Quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã bổ sung tuyến đường sắt đô thị dài gần 49km, nối quận 7 với Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.
Tuyến metro này có điểm đầu từ Đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7), chạy dọc theo đường Nguyễn Lương Bằng, vượt sông tới Rừng Sác, xuống Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.
Tuyến đường dự kiến liên kết với Metro số 4 (depot Nhị Bình, Hóc Môn - Khu đô thị Hiệp Phước, Nhà Bè).
Tuyến metro sẽ đảm bảo sự kết nối giữa trung tâm TP. HCM với huyện Cần Giờ, đưa nơi này trở thành trung tâm phát triển mới của TP. HCM. Đồng thời, theo doanh nghiệp việc kết hợp giữa đầu tư tuyến đường sắt đô thị với việc đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ đảm bảo sự đồng bộ giữa hệ thống kỹ thuật.
Hiện nay, dự án được nghiên cứu thực hiện trong giai đoạn 2031-2050, trong đó giai đoạn đầu có thể xem xét sử dụng loại hình buýt nhanh trước khi đầu tư tàu điện.
Huyện Cần Giờ nằm cách trung tâm TP. HCM chừng 50km, đây là huyện duy nhất của TP giáp biển với chiều dài 23km. Huyện Cần Giờ có tổng diện tích hơn 71.300ha, trong đó 70% là rừng ngập mặn và sông rạch. Khu đô thị lấn biển Cần Giờ có diện tích 2.870ha, được quy hoạch tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh.
Dự án này có tổng mức đầu tư trên 282.800 tỷ đồng, sau khi hình thành, dự án được kỳ vọng sẽ trở thành nơi sinh sống của hơn 228.000 người - gấp 3 lần dân số Cần Giờ hiện nay, dự kiến sẽ thu hút gần 9 triệu lượt khách mỗi năm, tạo ra hơn 36.000 việc làm cho người dân.
Ngoài ra, Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ mới đây đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư cũng được xem là động lực lớn đối với khu vực này.
Dù hội tụ những dự án lớn đầy tiềm năng nhưng hiện nay, giao thông kết nối trung tâm TP đến Cần giờ hiện chưa có sự phát triển cân xứng.
Thời điểm hiện tại, tuyến đường từ nội đô đến huyện ven biển chỉ có đường độc đạo Rừng Sác, phải qua phà Bình Khánh. Tuy nhiên, dự án cầu Cần Giờ nhằm thay thế phà Bình Khánh, sau nhiều năm đề xuất hiện vẫn chưa được triển khai.
>> Lộ diện phân khúc 'sáng' và triển vọng nhất trong năm 2025
Đề xuất thu phí trên 6 đoạn cao tốc Bắc - Nam do Nhà nước đầu tư
Phát hiện hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Việt Nam