Trong bối cảnh thị trường điều chỉnh mạnh kể từ đầu tháng 4/2022, ‘Short’ phái sinh là một phương án phòng thủ, giảm thiệt hại cho danh mục cổ phiếu của nhiều nhà đầu tư.
Đóng cửa phiên giao dịch 6/7, VN-Index giảm 31,68 điểm, xuống còn 1.149,61 điểm, xuyên thủng vùng đáy 1.160 – 1.170 điểm xác lập trước đó.
Trong bối cảnh trên, thanh khoản trên thị trường phái sinh được đẩy lên cao với tổng khối lượng 400.160 hợp đồng, tương ứng giá trị 49.077 tỷ đồng.
Trong đó, khối tự doanh đã mạnh tay táng Short với 8.934 hợp đồng tương ứng giá trị 1.096 tỷ đồng.
Ở chiều hướng ngược lại, khối tự doanh mở vị thế mua (long) với hợp đồng VN30F2207, với khối lượng khớp lệnh đạt 3.810 đơn vị.
Tổng khối lượng và giá trị giao dịch của khối tự doanh trong phiên 6/7 là 12.744 hợp đồng và 1.563 tỷ đồng, cao gấp 3,8 lần so với phiên trước và chiếm hơn 3% thanh khoản trên thị trường phái sinh trong phiên.
Trong phiên giao dịch này, hoạt động trên thị trường phái sinh tập trung chủ yếu ở mã hợp đồng tương lai tháng 7 VN30F2207 với khối lượng 399.286 hợp đồng.
Sau những nỗ lực hồi phục bất thành đầu phiên chiều 6/7, lực cầu suy yếu kết hợp áp lực bán gia tăng đã có lúc đẩy VN30F2207 xuống vùng giá thấp nhất trong phiên về mức 1.213,4 điểm. Chốt phiên, VN30F2207 giảm 16,9 điểm còn 1.218 điểm, song đang cao hơn chỉ số cơ sở VN30 hơn 6 điểm.
Thanh khoản của thị trường chứng khoán phái sinh tăng vọt kể từ tháng 4/2022, sau khi chỉ số VN-Index để mất mốc 1.500 điểm và bước vào nhịp điều chỉnh lớn. Nhiều nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cho rằng ‘Short’ phái sinh là một phương án phòng thủ, giảm thiệt hại cho danh mục cổ phiếu của mình giữa bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc.