Ngay từ đầu phiên giao dịch, các chỉ số đều nhích lên trên mốc tham chiếu trước việc sắc xanh chiếm ưu thế ở nhóm vốn hóa lớn...
VN30 đang chậm nhịp so với VN-Index khi chỉ tăng nhẹ hơn 2 điểm. Cổ phiếu POW dẫn đầu đà tăng của rổ VN30 với mức tăng hơn 2%.Theo ngay sau là BVH, PLX và TPB khi đồng loạt cùng tăng trên 1%.
Ở chiều giảm giá có GAS và CTG với mức giảm nhẹ quanh mức 0,5%.
Cổ phiếu có tác động tích cực nhất tới thị trường là VNM, VCB và MSN, khi đóng góp tổng cộng gần 2 điểm tăng cho VN-Index.
Nhóm nông lâm ngư nghiệp có mức tăng mạnh hơn 3%; các cổ phiếu trong ngành như HNG, VIF, ASM đều đang tăng trung bình trên hơn 2%. Đáng chú ý, cổ phiếu HAG đang bật tăng hết biên độ và trong nhóm hiện tại không có cổ phiếu nào giảm giá.
Lúc 9h39, BCM tăng 4,1% lên 56.200 đồng/cp, GVR tăng 1,2% lên 40.600 đồng/cp, BVH tăng 1,1% lên 63.900 đồng/cp, MSN tăng 1,3% lên 149.700 đồng/cp.
Tuy nhiên, áp lực trên thị trường hiện tại vẫn còn tương đối lớn và đến từ các cổ phiếu như SHB, KDC, VCS, BID, ACB, TCB...
Hiện tại, VN-Index tăng 6,17 điểm (0,42%) lên 1.462,88 điểm; tổng khối lượng giao dịch đạt 190 triệu cổ phiếu, trị giá 5.000 tỷ đồng. HNX-Index tăng 1,6 điểm (0,37%) lên 429,24 điểm; tổng khối lượng giao dịch đạt 33,3 triệu cổ phiếu, trị giá 862 tỷ đồng. UpCOM-Index giảm 0,03 điểm (-0,03%) xuống 108,17 điểm.
Đến 9h42, khá nhiều cổ phiếu thuộc nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng tiếp tục bứt phá trong đó BDT, RCC, SDJ, PDB, VC9, VGC,... đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, KPF tăng 5,4%, CDO tăng 7,7%, SD9 tăng 6,1%,...
Trước đó, thị trường chứng khoán biến động tương đối tích cực trong tuần từ 1 - 5/11. Dòng tiền lan tỏa đến nhiều nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ bất chấp có một số thời điểm bị chịu áp lực chốt lời mạnh. Thanh khoản thị trườn leo lên mức kỷ lục với tổng giá trị giao dịch bình quân là 38.932 tỷ đồng/phiên - tăng 22% so với tuần trước đó. Giá trị khớp lệnh bình quân phiên cũng tăng đến 24,5% lên mức 37.100 tỷ đồng.
Sau một tuần giao dịch tiêu cực, nhà đầu tư cá nhân đã quay trở lại với vai trò nâng đỡ thị trường trong bối cảnh cả khối tự doanh công ty chứng khoán và khối ngoại đều bán ròng mạnh. Cá nhân trong nước mua ròng trở lại 3.079 tỷ đồng trên sàn HOSE trong tuần từ 1 - 5/11, nhà đầu tư tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) cũng mua ròng 504 tỷ đồng. Trái ngược với 2 dòng vốn trên, tự doanh CTCK bán ròng đột biến 1.593 tỷ đồng. Tương tự với khối tự doanh, dòng vốn ngoại bán ròng 1.991 tỷ đồng trên HOSE.
Theo Chứng khoán BIDV (BSC), thị trường được nhận định sẽ có một nhịp tích lũy, phân hóa và không loại trừ những nhịp rung lắc trong tuần tới trước khi có sự đồng thuận lớn hơn để tiến tới các vùng điểm cao mới.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) dự báo, thị trường có thể duy trì đà tăng trong các phiên giao dịch đầu tuần và VN-Index có thể sẽ hướng về ngưỡng cản tâm lý 1.500 điểm trong tuần tới.
Một số thông tin quốc tế đáng chú ý:
Phố Wall ngày 5/11 lập đỉnh lịch sử, sau một tuần đáng chú ý bao gồm Fed thông báo sẽ siết chương trình mua trái phiếu hàng tháng – sự thay đổi lớn đầu tiên về chính sách nới lỏng được triển khai để hỗ trợ kinh tế Mỹ vượt qua đại dịch. Chốt tuần, S&P 500 tăng 2%, Dow Jones tăng 1,4% và Nasdaq tăng 3%, lần lượt đóng cửa ở đỉnh lịch sử 36.327,95 điểm, 4.697,53 điểm và 15.971,59 điểm.
Kết thúc phiên 5/11, giá dầu Brent tương lai tăng 2,2 USD lên 82,74 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 2,46 USD lên 81,27 USD/thùng. Chốt tuần, Brent giảm khoảng 2%, tuần giảm thứ hai liên tiếp, WTI giảm 2,7%. OPEC cùng đồng minh, tức OPEC+, ngày 4/11 nhất trí giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng từ tháng 12. Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi tăng sản lượng để hạ nhiệt giá dầu.