Theo VNDirect, các công ty con của MB sẽ tiếp tục tăng trưởng và gia tăng mức đóng góp trong năm 2022, đặc biệt là MIC.
Trong báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB - MBB), Chứng khoán VNDirect dự báo, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sẽ tăng trưởng 28,5%, đạt 20.915 tỷ đồng trong năm 2022 nhờ đẩy mạnh bán chéo, tăng tốc sản phẩm số và sự đóng góp của các công ty con.
MB hiện có 6 công ty con, trong đó có nhiều công ty đứng đầu trong hoạt động kinh doanh như CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC), MCredit… đóng góp khoảng 14% trong tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất.
VNDirect tin rằng, các công ty con của MB sẽ tiếp tục tăng trưởng và gia tăng mức đóng góp trong năm 2022, đặc biệt là MIC. Trong quý I/22, theo ước tính kinh doanh sơ bộ, MIC ghi nhận tổng doanh thu bảo hiểm hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ, tăng gấp 5 lần tốc độ tăng trưởng toàn ngành.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tập trung tăng trưởng bán chéo trong tập đoàn, quảng báo các sản phẩm công nghệ trong giai đoạn 2022-2026 nhằm nâng cao thu nhập từ bảo hiểm và phí. Thu nhập ngoài lãi trong năm 2022 dự kiến tăng 16,4% so với cùng kỳ.
MB còn phát triển dịch vụ Private và Priority nhằm nâng cao thu nhập, với mục tiêu đạt 2,8 triệu khách hàng năm 2026. Đây là một chiến lược thông minh về dài hạn khi tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ gia tăng trong thập kỷ tiếp theo, VNDirect nhận định.
Dự báo CASA của ngân hàng sẽ tiếp tục tăng nhờ việc áp dụng các nền tảng công nghệ nâng cao trải nghiệm người dùng trên ứng dụng. Điều này sẽ giúp chi phí vốn không tăng quá nhiều trong bối cảnh lãi suất tiền gửi tăng do lạm phát và cạnh tranh từ các kênh đầu tư khác trong năm 2022.
Về chất lượng tài sản, phía ngân hàng cho biết 90-95% các khoản nợ tái cơ cấu sẽ có thể thu hồi trong giai đoạn 2022-2026. Thêm vào đó, ngân hàng đã trích lập dự phòng 100% đối với các khoản nợ tái cơ cấu này thay vì 30% theo quy định trong năm 2021.
Do đó, chuyên gia cho rằng ngân hàng sẽ giảm chi phí dự phòng trong các năm tiếp theo nhờ tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao trong năm 2021 và việc quản lý tín dụng hiệu quả. Dự báo chi phí dự phòng giai đoạn 2022-2024 giảm từ 2-5% so với năm 2021 cùng với tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 1%.
Trong năm 2021, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đạt 0,9% hợp nhất và 0,7% đối với báo cáo riêng lẻ. Ngân hàng cũng tăng trích lập dự phòng trong năm 2021 ( tăng 31,2% so với cùng kỳ) giúp tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đạt 268% vào cuối năm 2021, cao thứ hai trong toàn ngành.