Cùng thời điểm phát hành lô trái phiếu 1.400 tỷ đồng, công ty này có giao dịch đảm bảo với 2 quỹ ngoại có địa chỉ tại thiên đường thuế Cayman.
CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng mới đây có bảng công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính cho kỳ báo cáo từ 1/1/2022 đến 31/12/2022.
Hồng Hoàng đang âm vốn chủ sở hữu gần trăm tỷ đồng
Thông tin cho thấy công ty đang âm vốn chủ sở hữu gần trăm tỷ đồng. Con số cụ thể, vốn chủ sở hữu của Hồng Hoàng đã cải thiện từ -319 tỷ đồng đến cuối năm 2021 lên còn -95 tỷ đồng đến cuối năm 2022 vừa qua. Nguyên nhân chính là năm 2022 Thương mại Hồng Hoàng kinh doanh có lãi với số lãi sau thuế gần 287 tỷ đồng, trong khi năm 2021 vẫn lỗ sau thuế hơn 177 tỷ đồng.
Dù đã kinh doanh có lãi, nhưng Thương mại Hồng Hoàng vẫn còn nợ nần chồng chất, hệ số nợ phải trả gấp hơn 12 lần vốn chủ sở hữu, trong đó dư nợ trái phiếu gấp hơn 11 lần, tương ứng khoảng 1.084 tỷ đồng.
Thương mại Hồng Hoàng được nhắc tới nhiều nhất từ năm 2019 khi tháng 10/2019 công ty phát hành thành công lô trái phiếu HH.TP.2019. Lô trái phiếu có giá trị hơn 1.402 tỷ đồng, trong đó đã mua lại gần 319 tỷ đồng vào tháng 7/2022, số còn đang lưu hành gần 1.084 tỷ đồng.
Lô trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào ngày 29/10/2024. Đáng chú ý nhất là lô trái phiếu này có lãi suất lên đến 20% - mức lãi suất rất cao so với cùng thời điểm.
Công ty vốn điều lệ 5 tỷ đồng phát hành lô trái phiếu 1.400 tỷ đồng: Bóng dáng nhà đầu tư ngoại tại Cayman
Thông tin trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới nhất tháng 6/2021, Thương mại Hồng Hoàng có vốn điều lệ hơn 5 tỷ đồng, tương ứng 500.002 cổ phần. Công ty do ông Lê An làm Tổng Giám đốc.
Công ty có vốn điều lệ 5 tỷ đồng, phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 1.400 tỷ đồng thời điểm đó khiến nhiều nhà đầu tư chú ý. Nhiều đồn đoán, đằng sau lô trái phiếu 1.400 tỷ đồng này là bóng dáng các quỹ đến từ thiên đường thuế Cayman. Nguyên nhân của đồn đoán này cũng rất rõ ràng.
Cụ thể, theo tìm hiểu, ngày 19/9/2019 Hồng Hoàng có mở giao dịch đảm bảo, mà bên nhận đảm bảo là một tổ chức nước ngoài Saigon Asia Credit Limited – tổ chức có địa chỉ tại quần đảo Cayman. Mô tả tài sản đảm bảo lúc đó ghi nhận là “tài khoản số 58668” do Hồng Hoàng mở và duy trì tại ngân hàng TMCP Thương mại Á Châu chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng ngày 19/9/2019, cùng số tài khoản 59668 mở tại ACB, Hồng Hoàng cũng làm tài sản đảm bảo cho 1 tổ chức khác có cùng địa chỉ tại thiên đường thuế Cayman là Vietnam Finance Limited có cùng địa chỉ với Saigon Asia Limited nói trên.
Cả 2 giao dịch đảm bảo này không nhắc cụ thể đến tài sản đảm bảo phía trong tài khoản số 58668 là gì, tuy nhiên thời gian trùng hợp không khỏi khiến cho những đồn đoán về trái chủ đằng sau lô trái phiếu trên là các quỹ ngoại đều có lý do chính đáng.
Bản thân Hồng Hoàng lại đã là tài sản đảm bảo cho một công ty khác
Một điểm đáng chú ý khác, cùng ngày 19/9/2019 có một pháp nhân khác – CTCP Đầu tư thương mại Nghi Lan - lại mang 499.980 cổ phần của Công ty Hồng Hoàng (tương ứng khoán 99,99% vốn điều lệ Hồng Hoàng) đi thế chấp cho chính Saigon Asia Credit Limited.
Công ty Nghi Lan và Hồng Hoàng đều do ông Lê An là người đại diện. Công ty Nghi Lan cũng chỉ mới thành lập tháng 8/2019 - một tháng trước khi mang cổ phần của Hồng Hoàng đi thế chấp tại Saigon Asia Credit Limited.
Cả công ty Nghi Lan và Hồng Hoàng đều có địa chỉ tại tầng 3, tòa nhà An Phú Plaxa, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu cả trăm tỷ, nhưng khá bất ngờ khi Hồng Hoàng lại đang thường xuyên thanh toán đúng hạn lãi lô trái phiếu này. Còn trước đó tháng 7/2022 đã mua lại trước hạn hơn 318 tỷ đồng của lô trái phiếu phát hành nói trên.
CII nâng vốn điều lệ lên gần 3.200 tỷ đồng
Hiểu đúng về khoản 'hợp đồng hợp tác đầu tư' của Novaland (NVL) sau quý III