VPBank đặt mục tiêu lãi gần 1 tỷ USD
VPBank đặt mục tiêu lãi gần 1 tỷ USD trong năm 2025, trong đó FE Credit dự kiến tăng trưởng lợi nhuận 120%, đạt hơn 1.100 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, đặt mục tiêu tham vọng với lợi nhuận trước thuế hợp nhất lên tới 25.270 tỷ đồng – tương đương gần 1 tỷ USD, tăng 26% so với kết quả thực hiện năm 2024.
Trong đó, ngân hàng mẹ dự kiến đóng góp 22.219 tỷ đồng lợi nhuận; Công ty Tài chính FE Credit đạt 1.126 tỷ đồng, tăng mạnh 120%; Chứng khoán VPBank (VPBankS) lãi 2.003 tỷ đồng, tăng 64%; còn Bảo hiểm OPES đạt 636 tỷ đồng, tăng 34%.
Về tăng trưởng tín dụng, VPBank dự kiến nâng dư nợ cấp tín dụng hợp nhất lên 887.724 tỷ đồng trong năm 2025, tương đương mức tăng 25%. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ theo Thông tư 11 dự kiến được kiểm soát dưới 3%.
Tổng tài sản hợp nhất ước tăng 23% lên hơn 1,13 triệu tỷ đồng. Huy động từ khách hàng và phát hành giấy tờ có giá dự kiến đạt 742.311 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước.
![]() |
Nguồn: VPBank |
Tại đại hội, VPBank cũng sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% từ lợi nhuận chưa phân phối đến ngày 31/12/2024, tương đương mức chi 3.967 tỷ đồng. Thời gian chia dự kiến vào quý II hoặc quý III/2025.
Ngoài ra, đại hội lần này sẽ tiến hành bầu mới Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát cho nhiệm kỳ 2025–2030. Cơ cấu dự kiến gồm 8 thành viên HĐQT (trong đó ít nhất 2 thành viên độc lập) và 5 thành viên Ban Kiểm soát.
Ngân hàng cũng trình các nội dung quan trọng khác như sửa đổi Điều lệ, bổ sung ngành nghề kinh doanh, phương án đầu tư vào công ty con, công ty liên kết và chính sách thù lao cho HĐQT và Ban Kiểm soát.
Kết thúc năm 2024, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 20.000 tỷ đồng, tăng trưởng 85% so với năm trước. Riêng quý IV, lợi nhuận đạt trên 6.100 tỷ đồng – gấp đôi cùng kỳ năm 2023.
Theo giải trình từ phía ngân hàng, kết quả này chủ yếu đến từ sự tăng trưởng mạnh của thu nhập lãi thuần, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư, cùng với đóng góp từ các khoản thu nhập khác và lãi từ công ty liên kết.
Tính đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng của ngân hàng mẹ đạt hơn 629.000 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm – vượt mức tăng trưởng trung bình ngành (15%).
>> VPBank hợp tác với GTEL: Công nghệ chắp cánh cho sản phẩm tài chính
VPBank hợp tác với GTEL: Công nghệ chắp cánh cho sản phẩm tài chính
Nhiều dịch vụ của VPBank (VPB) sẽ bị tạm dừng trong khoảng thời gian này