VPBank thông báo tin vui, đã sẵn sàng để tiếp quản 1 ngân hàng thuộc diện yếu kém
VPBank vừa cho biết nhà băng này đã sẵn sàng nguồn lực để tiếp quản một ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc.
Chiều 11/10, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Thường trực Chính phủ đã có buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam.
Tại sự kiện, bà Phạm Thị Nhung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank - VPB) cho biết thời gian qua VPBank có 2 tin vui.
Thứ nhất, VPBank đã thành công huy động hàng tỷ USD nguồn vốn từ các định chế tài chính quốc tế. Mới đây, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) đã ký Cam kết khoản vay song phương với VPBank trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam. VPBank cũng đang trong những bước hoàn thiện cuối cùng của thương vụ bán 15% cổ phần cho đối tác là 1 trong 3 tập đoàn tài chính lớn nhất của Nhật Bản. Những việc này sẽ giúp VPBank có nguồn vốn vững mạnh cho phép mở rộng khả năng hỗ trợ các khoản tín dụng trung vài dài hạn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các dự án phát triển xanh, các dự án hạ tầng… góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bà Nhung cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng của VPBank từ đầu năm tới nay đã vượt mức 20%, cao hơn so với mức trung bình toàn ngành.
Theo bà Nhung, VPBank cũng là một trong những ngân hàng tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tiếp quản một ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc. Thời điểm hiện tại, ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực.
"Ngay khi được chuyển giao, chúng tôi sẽ bắt tay ngay vào việc tái cơ cấu lại ngân hàng đó. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng sẽ hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ và Ngân hàng nhà nước giao phó, tái cơ cấu thành công ngân hàng được chuyển giao", Phó tổng giám đốc VPBank nhấn mạnh.
Đây cũng là lần đầu tiên lãnh đạo VPBank khẳng định việc tham gia tiếp quản bắt buộc một ngân hàng. Tại phiên họp thường niên hồi cuối tháng 4, Chủ tịch HĐQT nhà băng này Ngô Chí Dũng mới thông tin rằng đang nghiên cứu việc nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém.
Hiện tại, 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu, gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mua bắt buộc là Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank). Trước VPBank, Vietcombank và MB đã trình cổ đông phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng, trong đó mới có CB được biết rõ về với Vietcombank.