Tình trạng bỏ cọc của các nhà đầu tư không phải vấn đề mới. Tuy nhiên, phải đến khi xuất hiện câu chuyện bỏ cọc của Tân Hoàng Minh thì dư luận mới thực sự để ý đến vấn đề này.
Chia sẻ tại Toạ đàm “Chính sách về đấu giá quyền sử dụng đất” diễn ra mới đây, TS. Dương Đăng Huệ - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp nhấn mạnh: “Pháp luật không cấm việc doanh nghiệp bỏ cọc, chấm dứt hợp đồng. Các bên có quyền ký và có quyền hủy. Hiện tại, theo pháp luật, đã có những cơ chế, chế tài để xử lý việc này”.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế ĐH Luật Hà Nội cho rằng “Đấu giá quyền sử dụng đất không có lỗi, lỗi là do cơ chế chính sách”.
Theo nhận định của vị chuyên gia, đất đai chính là nguồn lực để phát triển kinh tế đất nước. Trong năm vừa qua, tỷ lệ đóng góp cho ngân sách Nhà nước từ đấu giá đất đã tăng mạnh dao động trong khoảng 16 đến 17%.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh tài nguyên đất đai khan hiếm, nhu cầu sử dụng đất tăng, hình thức đấu giá tạo ra cơ chế bình đẳng cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận một cách công khai minh bạch. Nhưng cùng với đó là tình trạng bỏ cọc của các nhà đầu tư.
Theo ông Nguyễn Quang Tuyến, đây không phải là vấn đề hoàn toàn mới, tuy nhiên, phải đến mãi sau câu chuyện bỏ cọc của Tân Hoàng Minh thì xã hội mới thực sự để ý đến vấn đề này. Còn thực tế, những nhà đầu tư này không hề vi phạm pháp luật.
TS. Dương Đăng Huệ nói thêm, ngoài vấn đề chế tài xử phạt, cũng cần xem xét liệu có xuất hiện hành vi gây nhiễu loạn thị trường để trục lợi hay không. Tuy nhiên, việc chứng minh là rất khó, gần như không thể làm được.
Tiến sĩ lý giải, nói đến mặt pháp lý, không thể đưa ra bất kỳ bằng chứng nào, cũng như không thể chứng minh được tính trục lợi ở đây. Và nếu thực sự có thể chứng minh được nhà đầu tư gây nhiễu loạn thị trường để trục lợi thì khi đó, cơ quan quản lý liên quan đến vụ việc cũng phải chịu trách nhiệm. Nếu việc doanh nghiệp mất tiền cọc là không đủ, cần phải bổ sung việc phạt hành chính theo phần trăm trên hợp đồng đã ký, giá đã trúng đấu giá (khoảng 10%).
Có cùng nhận định trên, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, quy định pháp luật đủ chế tài để nhà đầu tư không bỏ cọc, hoạt động đấu giá không có gì sai, doanh nghiệp tham gia đấu giá cũng không vi phạm pháp luật. Hiện, pháp luật đã đầy đủ quy định để thực hiện đấu giá đất, thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp, kể cả thực hiện dự án về sau.
Tuy nhiên, theo vị này, quy chế đấu giá có thể quy định, khi doanh nghiệp trúng đấu giá thì phải nộp đủ 20% so với giá đã bỏ (không phải giá khởi điểm) ngay sau khi trúng đầu giá mới được ký hợp đồng. Vì vậy, có thể đã đủ chế tài buộc nhà đầu tư thực hiện hợp đồng chỉ cần thực hiện trong quy chế đấu giá.
Cùng với đó, hiện nay quy định chậm nhất sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất và sau 90 ngày phải nộp đủ 100% dẫn tới tình trạng trì hoãn, đợi giá đất lên hoặc nếu giá đất giảm thì bỏ cọc. Điều này có thể điều chỉnh lại để phù hợp với thực tiễn.
PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ thì chia sẻ: “Tại Hong Kong, có vị trí định giá lên tới 3,1 tỷ đồng/m2. Nếu Thủ Thiêm trở hành trung tâm tài chính thế giới như Hong Kong thì mức giá 2,4 tỷ/m2 không thể nói là vô lý. Có thể nói, đấu giá để thu tiền cao nhất là không có gì sai".
Do đó, theo vị này, trong thời gian tới, yêu cầu công khai dữ liệu đất đai là ưu tiên hàng đầu, từng miếng đất phải được định danh, cần đủ tình trạng pháp lý, giá đất đấu giá, giá đất thường xung quanh, khi giao dịch thì lưu giữ các lịch sử.
Về đề xuất thêm chế tài cấm doanh nghiệp tham gia đấu giá tham gia 5 năm sau khi bỏ cọc, ông Thọ cho rằng không khả thi vì họ sẵn sàng thành lập doanh nghiệp khác để đi đấu giá nên quy định để doanh nghiệp mất cọc khi bỏ cọc là đã đủ.