Chi phí rẻ và khả năng vô hiệu hoá nhiều mục tiêu bay không người lái (UAV/drone) cùng lúc là hai điểm nổi trội trong hệ thống laser mà quân đội Anh đang phát triển, dự kiến năm 2027 đưa vào biên chế chính thức.
Trước bối cảnh những chiếc drone hay UAV giá rẻ tung hoành trong mọi cuộc xung đột vũ trang hiện tại, từ Ukraine đến Trung Đông, các chuyên gia quân sự đang đẩy nhanh tiến độ phát triển hệ thống laser có khả năng khoá nhiều mục tiêu cùng lúc, trong khi vẫn đáp ứng tiêu chí tiết kiệm và chi phí hợp lý - DragonFire.
Giải pháp thay thế giá rẻ
Với chi phí chỉ bằng 1/10 so với các thiết bị đánh chặn thông thường, DragonFire có thể là nút thắt tháo gỡ mối đe doạ từ máy bay không người lái và tên lửa hành trình. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho biết, họ không loại trừ khả năng chuyển giao nguyên mẫu của hệ thống cho Ukraine trong thời gian tới.
“Không cần phải hoàn thiện 100% để bàn giao cho phía Ukraine. 2027 là thời điểm dự kiến chung, nhưng chúng tôi sẽ xem xét đẩy nhanh tiến độ”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh nói.
Theo lộ trình, trong tháng 9 năm nay, tập đoàn phòng không số 7 của Anh có thể sẽ nhận hệ thống laser DragonFire để thử nghiệm “người dùng cuối”. Hệ thống được lắp đặt trên xe tải, cho phép các chuyên gia đánh giá và quản lý dữ liệu đầu vào ngay trên mặt đất để đưa ra những cải tiến cụ thể.
Đây là động thái có ý nghĩa với Ukraine - quốc gia đang tìm mọi cách để có nâng cao sức mạnh phòng không. Hiện Kiev đang vận hành từ 3 đến 5 hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, song số lượng là không đủ chống đỡ những đòn đánh dồn dập từ Moscow.
Theo các quan chức Ukraine, nước này cần tới 26 hệ thống Patriot để bao phủ toàn bộ đất nước và mục tiêu trước mắt là bổ sung thêm 2 hệ thống để bảo vệ các mục tiêu quan trọng.
Trong khi đó, Shapps nói rằng công nghệ laser của DragonFire có hiệu quả rõ rệt với những loại phương tiện bay tốc độ chậm như drone, cho đến những vũ khí tốc độ cao như tên lửa đạn đạo.
Quan trọng nhất, chi phí vận hành hệ thống này thấp hơn nhiều, chỉ hơn 10 USD cho mỗi lần bắn kéo dài khoảng 10 giây, so với một tên lửa đánh chặn Patriot có giá từ 2 - 4 triệu USD/quả. Chi phí đắt đỏ của những tên lửa đánh chặn cũng là lý do khiến nguồn hỗ trợ cho Kiev bị gián đoạn.
Trước đó, Vương quốc Anh cũng đã gửi đến Ukraine các tên lửa tầm xa Storm Shadow, song hiệu quả thực địa không nhiều do mạng lưới tác chiến dày đặc của quân đội Nga.
Công suất lớn, đa mục tiêu
DragonFire là vũ khí có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào có thể nhìn thấy được. Tuy nhiên, phạm vi hoạt động của hệ thống vẫn đang được giữ kín.
Theo thông cáo báo chí của BQP Vương quốc Anh, “DragonFire khai thác công nghệ laser công suất cao tầm xa, có khả năng bắn trúng đồng xu ở khoảng cách 1km. Vũ khí năng lượng điều khiển laser có thể tấn công mục tiêu ở tốc độ ánh sáng và sử dụng chùm ánh sáng cực mạnh để cắt xuyên mục tiêu, dẫn đến hỏng cấu trúc hoặc vô hiệu hoá hoàn toàn đầu đạn”.
Hồi tháng 1, các cuộc thử nghiệm của Bộ quốc phòng nước này cho thấy chi phí tiết kiệm đáng kể khi chi phí “đốt laser trong vòng 10 giây tương đương chi phí sử dụng lò sưởi thông thường trong một giờ đồng hồ”, ứng với khoảng hơn 10 USD cho mỗi lần bắn.
Bên cạnh lợi ích lớn nhất là chi phí thấp, công nghệ laser còn có lợi thế về “băng đạn không giới hạn”, miễn là có nguồn điện ổn định. Trong giao chiến, khi chiếu chùm tia laser tập trung, các UAV có thể bị đốt cháy cấu trúc, làm tan chảy một số bộ phận, từ đó bị vô hiệu hoá.
Ngoài ra, các cảm biến quang học trên UAV/drone thường được sử dụng để nhận tín hiệu điều hướng từ người điều khiển từ xa, cũng dễ dàng trở thành mục tiêu của hệ thống laser này.
Chưa dừng lại, hệ thống DragonFire được thiết kế để tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc. Đây chính là yếu tố có thể đưa hệ thống này trở thành bước ngoặt trong các chiến thuật đánh chặn bầy đàn drone.
DragonFire đã hoàn thành một đợt thử nghiệm bắn đạn thật đáng kể vào tháng 11 năm 2022, trong đó bao gồm việc tấn công các mục tiêu kim loại được thiết kế để mô phỏng lớp vỏ của tàu và máy bay cùng với một máy bay không người lái nhỏ.