Vụ Vạn Thịnh Phát: Tiếp tục kê biên công ty vốn điều lệ 1.600 tỷ ‘do tổ tiên’ Trương Mỹ Lan thành lập
Trước đó, trong phiên xét xử vụ Vạn Thịnh Phát, bị cáo Trương Huệ Vân đã khai, công ty này ‘thuộc về bà nội’ từ rất lâu.
Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (TAND TP HCM) đã công bố bản án giai đoạn 2 của vụ án Vạn Thịnh Phát, trong đó bà Trương Mỹ Lan bị kết án tù chung thân cho nhiều tội danh. Hội đồng Xét xử (HĐXX) cũng đã buộc bà Trương Mỹ Lan bồi thường hơn 30.000 tỷ đồng cho các trái chủ và những người liên quan đến việc nhận chuyển nhượng trái phiếu.
Bản án cũng nêu rõ hướng xử lý các tài sản bị kê biên và phong tỏa trong vụ án, bao gồm nhiều tài sản đã "lộ" ra qua lời khai của các bị cáo. Đặc biệt, đối với 100% vốn góp tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thương mại Dịch vụ Hòa Thuận Phát, bản án ghi rõ "cần tiếp tục kê biên để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của bị cáo Trương Mỹ Lan".
Trương Mỹ Lan khẳng định Công ty do tổ tiên thành lập
Tại tòa, bà Trương Mỹ Lan cho rằng công ty Hòa Thuận Phát có tiền thân là hãng tàu Hòa Thuận Phát, được tổ tiên của bà thành lập từ nhiều đời.
Bà cho biết công ty này do gia đình Trương Huệ Vân quản lý và điều hành, không phải là tài sản của bà và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Do đó, bà Trương Mỹ Lan đề nghị HĐXX hủy bỏ quyết định kê biên và trả lại tài sản cho gia đình.
Bị cáo Trương Huệ Vân khai tại tòa, rằng công ty Hòa Thuận Phát 'thuộc về bà nội' từ rất lâu và các con cháu đều đứng tên từ khi bà còn sống, bao gồm cả công ty Emerald mà Vân là đại diện theo pháp luật.
Bị cáo Trương Huệ Vân đã đề nghị được giải tỏa kê biên vì đây là công ty gia đình, xuất phát từ xưởng đóng tàu, và gia đình mong muốn phát triển cũng như gìn giữ truyền thống.
Ảnh Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân |
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Không đồng ý để Twin Peaks nộp 2.100 tỷ khắc phục hậu quả cho Trương Mỹ Lan
Bản án ghi rõ: Đây là 2 pháp nhân khác nhau
HĐXX nhận thấy, về lịch sử hình thành, công ty Hòa Thuận Phát đã được ghi nhận trong gia phả họ Trương. Tài liệu do luật sư cung cấp cũng cho thấy, hãng vận chuyển và dịch vụ lao động Hòa Thuận Phát được thành lập tại xóm Chiếu, Sài Gòn, chuyên sản xuất, kinh doanh, vận chuyển tàu và cung ứng lao động. Tuy nhiên, đến năm 1937, do ảnh hưởng của chiến tranh và thiên tai, hãng tàu đã chấm dứt hoạt động.
Vào tháng 1/2011, bà Trương Mỹ Lan đã thành lập Công ty Cổ phần Giáo dục và Đào tạo Hòa Thuận Phát, sau đó đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thương mại Dịch vụ Hòa Thuận Phát, chuyên hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa và từ thiện.
Như vậy, “Hãng tàu Hòa Thuận Phát” và “Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thương mại Dịch vụ Hòa Thuận Phát” là hai pháp nhân hoàn toàn độc lập, hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau và vào những thời điểm khác nhau. Cả hai chỉ có điểm chung là tên gọi Hòa Thuận Phát.
Theo các chứng cứ điều tra xác minh, bà Trương Mỹ Lan đã thông qua các pháp nhân như Công ty Heritage, Công ty Lumiform, Công ty Emerald và Bảo trợ Thuận Triều để sở hữu tổng cộng 100% vốn cổ phần của Hòa Thuận Phát. Do vậy, HĐXX quyết định tiếp tục duy trì kê biên để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của bà Trương Mỹ Lan.
CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Hòa Thuận Phát được thành lập vào tháng 1/2011, có địa chỉ tại số 193-203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TP.HCM. Ban đầu, công ty do ông Lâm Ngọc Đan Thi làm Chủ tịch HĐQT, trong khi Trương Huệ Vân giữ chức vụ Tổng Giám đốc và người đại diện theo pháp luật.
Vào tháng 2/2018, công ty đã cập nhật thông tin, ông Trương Lập Hưng giữ chức Chủ tịch HĐQT, trong khi Trương Huệ Vân và Ngô Thanh Nhã là thành viên HĐQT. Đến tháng 7/2020, công ty đã tăng vốn điều lệ từ 880 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Chỉ còn 3 ngày nữa sẽ xét xử phúc thẩm giai đoạn 1
Vụ Vạn Thịnh Phát: Không đồng ý để Twin Peaks nộp 2.100 tỷ khắc phục hậu quả cho Trương Mỹ Lan
Vụ Vạn Thịnh Phát: Chỉ còn 3 ngày nữa sẽ xét xử phúc thẩm giai đoạn 1