Tài chính Ngân hàng

Phúc thẩm vụ Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan mong được xem xét thấu đáo

Hoàng Hiếu 28/10/2024 - 08:54

TAND TP.HCM sắp mở phiên phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát, xem xét kháng cáo của 48 bị can.

Từ ngày 4-25/11, TAND TP.HCM sẽ mở phiên xét xử phúc thẩm giai đoạn 1 vụ án Vạn Thịnh Phát, xem xét kháng cáo của bà Trương Mỹ Lan cùng 47 bị cáo và các bên liên quan, trong đó có Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Trước đó, ngày 11/4/2024, TAND TP.HCM đã tuyên án sơ thẩm, phạt bị cáo Trương Mỹ Lan tổng mức án tử hình với các tội danh gồm vi phạm quy định về cho vay, tham ô tài sản và đưa hối lộ.

85 bị cáo khác nhận các mức án từ 3 năm tù treo đến tù chung thân về các tội danh tương tự. Hội đồng xét xử (HĐXX) cũng yêu cầu bà Lan bồi thường khoản dư nợ vay của SCB lên đến 673.800 tỷ đồng.

Phúc thẩm vụ Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan mong được xem xét thấu đáo
Bị cáo Trương Mỹ Lan trong phiên xét xử sơ thẩm giai đoạn 1 vụ Vạn Thịnh Phát, nguồn: Internet

Sau khi bị tuyên mức án tử hình, bà Trương Mỹ Lan đã nộp đơn kháng cáo, trình bày trong đơn rằng bản án tử hình dành cho một phụ nữ như bà là quá nghiêm khắc.

Bà Lan nêu lại quá trình phát triển của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, từ kinh doanh tiểu thương tại chợ Bến Thành do mẹ bà khởi xướng đến việc thành lập tập đoàn vào năm 1992. Bà cũng nhấn mạnh những đóng góp xã hội của gia tộc, bao gồm hoạt động từ thiện và hỗ trợ cộng đồng trong đại dịch COVID-19.

Đơn kháng cáo của bà Lan cũng khẳng định nỗ lực của bà và các cổ đông trong việc hỗ trợ tái cấu trúc SCB nhằm ổn định hệ thống tài chính quốc gia. Bà lập luận rằng SCB là ngân hàng cổ phần, không phải công ty tư nhân, nên không thể quy trách nhiệm hoàn toàn cho cá nhân bà. Suốt quá trình điều tra và xét xử sơ thẩm, bà đã tự nguyện đưa ra toàn bộ tài sản và hợp tác với SCB để khắc phục hậu quả.

Theo cáo trạng sơ thẩm, sau khi biết ba ngân hàng gồm SCB, Việt Nam Tín Nghĩa và Đệ Nhất mất thanh khoản và phải hợp nhất, bà Lan đã chỉ đạo người thân mua lại phần lớn cổ phần SCB, từ đó gián tiếp nắm quyền kiểm soát ngân hàng.

Bà bị cáo buộc đã chỉ đạo rút tiền từ SCB để phục vụ các mục đích riêng, gây thiệt hại nghiêm trọng. Để che giấu sai phạm, bà Lan và các bị cáo đã thực hiện nhiều hành vi hối lộ, trong đó có việc chi 5,2 triệu USD cho cựu cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II - Đỗ Thị Nhàn.

>>VietinBank (CTG) rao bán khoản nợ của 'đại gia' Tạ Hùng Quốc Việt, liên quan vụ Vạn Thịnh Phát

VietinBank (CTG) rao bán khoản nợ của 'đại gia' Tạ Hùng Quốc Việt, liên quan vụ Vạn Thịnh Phát

Vụ Vạn Thịnh Phát: Vì sao chồng và em trai bà Trương Mỹ Lan được gỡ lệnh phong tỏa tài khoản?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/phuc-tham-vu-van-thinh-phat-ba-truong-my-lan-mong-duoc-xem-xet-thau-dao-256372.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Phúc thẩm vụ Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan mong được xem xét thấu đáo
    POWERED BY ONECMS & INTECH