“Vua cá tra” Dương Ngọc Minh sa cơ, tài sản lần lượt về tay những người giàu nhất Việt Nam
Cổ phiếu doanh nghiệp của “Vua cá tra” đã bị đình chỉ giao dịch từ 28/02/2023.
Ông Dương Ngọc Minh, người từng được mệnh danh là “Vua cá tra” Việt Nam. Thuỷ sản Hùng Vương (HVG) của ông Minh từng là TOP đầu làng xuất khẩu ở Việt Nam với doanh thu hơn 18.000 tỷ đồng. Nhưng rồi vua cá tra cũng để mất mình và trượt dài.
Vua cá tra một thời
Hùng Vương được thành lập năm 2003 tại tỉnh Tiền Giang, có vốn điều lệ 32 tỷ đồng. Hoạt động chính lúc bấy giờ là chế biến cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu với công suất nhà máy 50 tấn nguyên liệu/ngày.
Công ty sau khi thành lập liên tục đầu tư mới và mở rộng. Đến năm 2007 công ty chính thức chuyển đổi mô hình sang CTCP với vốn điều lệ 420 tỷ đồng – tức tăng gấp 13 lần chỉ sau 4 năm hoạt động.
Việc đầu tư và bành trướng giúp Hùng Vương có những kết quả tích cực. Công ty của Chủ tịch Dương Ngọc Minh nhanh chóng lớn mạnh, vượt qua Nam Việt (ANV) để trở thành đơn vị xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam giai đoạn 2008-2009.
Năm 2009, Công ty đưa cổ phiếu niêm yết tại HoSE, vốn điều lệ khi đó tiếp tục tăng mạnh lên 600 tỷ đồng. Theo sóng thị trường, HVG trở thành “ngôi sao” với thị giá đỉnh cao hơn 20.000 đồng/cp.
Về kinh doanh, những năm đầu cổ phần hoá, doanh thu và lợi nhuận của HVG tăng mạnh. Nếu như năm 2007 doanh thu đang ở mức hơn 1.500 tỷ đồng thì năm 2009 sau khi cổ phiếu lên sàn, doanh thu tăng gấp đôi lên gần 3.100 tỷ đồng. Những năm sau đó, doanh thu HVG tăng trưởng bằng lần/năm và chính thức đạt đỉnh vào năm 2016 với 17.900 tỷ đồng. Thành quả kinh doanh ấn tượng đó giúp Hùng Vương được gọi là “vua cá tra” một thời.
Trong giai đoạn hoàng kim, "vua cá tra" có khối tài sản vào khoảng 10.000 tỷ đồng, cấu trúc nợ vay được giữ mức khoảng 45% tổng tài sản với khả năng thanh toán tốt. Cơ cấu nguồn vốn chủ sở hữu gấp 3 lần vốn điều lệ, nguồn vốn thặng dư luôn ở mức cao cho việc phát triển sản xuất. Cổ tức bằng tiền duy trì đều đặn từ 10% mỗi năm.
Nguồn tiền lớn khiến Hùng Vương vung tay vào hàng loạt các vụ thâu tóm trong ngành cũng như mở rộng ra lĩnh vực kinh doanh khác trong giai đoạn 2014 như mua Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF), mua Thực phẩm Sao Ta (FMC), Thủy sản Tắc Vân (TFC) hay như thành lập công ty con Hùng Vương Sông Đốc, Hùng Vương Bến Tre, đầu tư vào dự án chăn nuôi lợn, bóng đá…
Những khoản lỗ trăm tỷ do “quả bom” vay nợ
Năm 2015 báo hiệu thời thịnh vượng của Hùng Vương sắp kết thúc. Chịu tác động kép từ giá cá tra giảm do dư cung, vấn đề thuế quan tại các thị trường xuất khẩu và việc đầu tư dàn trải càng làm trầm trọng thêm những khó khăn. Kể từ đó, "ông vua cá tra" đã chìm sâu trong thua lỗ, đỉnh điểm năm 2019 lỗ sau thuế 1.123 tỷ đồng.
Dù tình hình kinh doanh không thuận lợi, HVG lại đem tiền đi thâu tóm các doanh nghiệp khác. Đều này khiến tài sản tăng nhưng cũng đẩy nợ phải trả tăng tương ứng. Nợ vay lớn dẫn đến chi phí lãi vay cao, dao động 200 - 500 tỷ đồng mỗi năm đã dần ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.
Kết quả, năm 2016, công ty lãi sau thuế gần 10 tỷ đồng. Và đến năm 2019, HVG đã báo lỗ sau thuế tới 1.123 tỷ.
Vào cuối năm 2017, công ty phải bán đứt các công ty con như Sao Ta (Mã: FMC) cho đại gia chứng khoán Nguyễn Duy Hưng, bán đi 50% vốn tại CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng cho VinEco của Tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Tháng 2/2018, HVG bán lô đất tại 765 Hồng Bàng (TP HCM), thu về 370 tỷ đồng; hoàn tất bán lô đất tại 94 Phạm Đình Hổ (TP HCM) trong tháng 3/2018 và thu về 190 tỷ đồng. Song song đó, công ty còn bán bớt các vùng nuôi trồng.
Hành động này của HVG nhằm tái cấu trúc, thoái bớt vốn những công ty thành viên không hiệu quả để có được nguồn tiền, duy trì hoạt động chung.
Riêng về năm 2019, ông Dương Ngọc Minh phải nhận định "đó là một năm đầy rẫy những khó khăn", bao gồm cú sốc nhận mức thuế chống bán phá giá cao nhất trong số các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ; thị trường cá nguyên liệu trong nước tới chu kỳ thoái trào sau hai năm tăng trưởng nóng là 2017 - 2018 và khó khăn tài chính ba năm liền khi ngân hàng chậm giải ngân vốn.
Tính đến cuối tháng 9/2019 (năm tài chính của HVG kết thúc ngày 30/9), tổng tài sản của HVG xấp xỉ 8.025 tỷ đồng. Trong đó các khoản phải thu ngắn hạn lên tới 3.722 tỷ, hàng tồn kho 1.649 tỷ, lần lượt chiếm 46% và 21% tổng tài sản.
Công ty ghi nhận nợ quá hạn hơn 1.560 tỷ đồng, đa số đến từ các công ty thủy sản. Tính đến 30/9/2019, giá trị đầu tư của HVG tại các công ty liên doanh, liên kết là 625 tỷ đồng, giảm hơn 150 tỷ so với giá gốc đầu tư.
Khi dưới vực sâu, cái bắt tay của Hùng Vương với Thaco vào đầu năm 2020 từng được giới đầu tư kỳ vọng rất nhiều. Tuy nhiên đến tháng 8/2020, HVG bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) hủy niêm yết bắt buộc và phía Thaco cũng đã thoái sạch số cổ phần tại HVG sau gần một năm đầu tư.
Cũng trong tháng 8, HVG chuyển đăng ký giao dịch sang UpCOM. Tuy vậy việc công bố thông tin vẫn chậm trễ dẫn đến ngày 28/2/2023, cổ phiếu HVG đã bị điều chỉnh từ trạng thái bị hạn chế giao dịch sang trạng thái bị đình chỉ giao dịch. Cũng kể từ năm 2020, sau sự rời đi của Thaco, HVG cũng không có thêm động thái đáng chú ý nào.
"Vua cá tra" Dương Ngọc Minh đã để lại một bài học rất lớn, đó là việc sử dụng đòn bẩy tài chính, vay ngân hàng một cách bừa bãi. Việc có tiền 1 cách dễ dàng để thỏa mãn tham vọng, nếu không được kiểm soát tốt thì đây sẽ là một điểm khởi đầu cho một vết trượt dài.
Mua lại nhà máy của 'vua cá tra', 'ông lớn' ngành tôm nuôi tham vọng trong mảng chế biến cá
Nợ nghìn tỷ, ‘vua cá tra’ một thời muốn bán loạt công ty con để trả nợ